spot_img
32 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp5 liên minh 'khủng' đối đầu tại dự án điện khí 2,1...

5 liên minh 'khủng' đối đầu tại dự án điện khí 2,1 tỷ USD của Nghệ An, chaebol Hàn Quốc SK có động thái mới

LNG Quỳnh Lập không phải mục tiêu điện khí LNG duy nhất của SK tại Việt Nam.

Theo thông tin từ cổng TTĐT tỉnh Nghệ An, ngày 15/4, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có mục tiêu dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập 2,1 tỷ USD.

SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, viễn thông, dầu khí, năng lượng. Tập đoàn này có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ hai tại Hàn Quốc và thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất toàn cầu.

Tại Việt Nam, Tập đoàn SK đã đầu tư vào các đơn vị như Vingroup, Masan, Công ty dược Imexpharm, dự án sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học thân thiện môi trường (dự án Ecovance ở Hải Phòng).

Hiện SK đang tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực là thế mạnh của như năng lượng sạch LNG, điện gió, mặt trời và hướng tới hydrogen, dược phẩm – y tế, logistics, công nghệ thông tin.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn SK đã giới thiệu về các phương án triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập tại thị xã Hoàng Mai là một trong những dự án trọng điểm về năng lượng của tỉnh Nghệ An và của Việt Nam.

Hiện tại, Nghệ An đã thu hút được 25 dự án FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 triệu USD. Phó Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng buổi làm việc sẽ mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cụ thể với Tập đoàn SK trong tương lai gần.

Đã có 5 “liên minh” chờ thầu dự án điện khí LNG Quỳnh Lập

Dự án điện khí LNG Quỳnh Lập, với công suất 1.500 MW, là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích khoảng 210 -360 ha, nhu cầu nhiên liệu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT.

5 liên minh 'khủng' đối đầu tại dự án điện khí 2,1 tỷ USD của Nghệ An, chaebol Hàn Quốc SK có động thái mới- Ảnh 1.

Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2025 được ký bởi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 có đặt ra nhiều yêu cầu với dự án LNG Quỳnh Lập.

Cụ thể, có chỉ đạo các địa phương triển khai ngay lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII chưa có nhà đầu tư như: LNG Nghi Sơn, LNG Quỳnh Lập, LNG Cà Ná, …, hoàn thành trong Quý II năm 2025; đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất trong Quý III năm 2028.

Cuối năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay đã sáp nhập vào Sở Tài chính) tỉnh Nghệ An đã nhận được 5 bộ hồ sơ dự thầu từ 5 nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm:

(1) Liên danh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW), Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD với nhu cầu diện tích 332,28ha (gồm 59,75ha đất và 272,53ha mặt nước).

(2) Tổng Công ty Phát điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với yêu cầu diện tích 260ha (gồm 60ha đất và 200ha mặt nước).

(3) Liên danh Công ty POSO International (Hàn Quốc) và CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam với diện tích yêu cầu 345,3ha (gồm 95,55ha đất và 249,75ha mặt nước). Đối với thị trường Việt Nam, Công ty Posco International đã có kinh nghiệm trong việc vận hành nhà máy điện Mông Dương 2.

(4) Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với nhu cầu 182,63ha (gồm 65,6ha đất và 117,13ha mặt nước).

(5) Liên danh CTCP Đầu tư Năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar) với diện tích yêu cầu 175,9ha (gồm 57,9ha đất và 118ha mặt nước).

LNG Quỳnh Lập không phải mục tiêu điện khí LNG duy nhất của SK tại Việt Nam

Tháng 2/2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (nay là Phó Thủ tướng) đã tiếp ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK, Hàn Quốc.

Trao đổi tại cuộc làm việc, tập đoàn SK mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc đề xuất xây dựng các nhà máy điện LNG quy mô lớn, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển các trung tâm năng lượng mới gắn với phát triển trí tuệ nhân tạo, logistics, hydrogen, nông nghiệp thân thiện môi trường và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Tập đoàn SK đề xuất được hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng các khu vực Trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo dựa trên sự phát triển tích hợp dự án điện khí LNG Nghi Sơn – Quỳnh Lập tại Bắc Trung Bộ; Trung tâm Hydrogen, Logistic và đổi mới sáng tạo dựa trên sản xuất điện từ Dự án LNG Cà Ná tại Nam Trung Bộ; Trung tâm nông nghiệp thân thiện môi trường và đổi mới sáng tạo dựa trên Dự án LNG Cà Mau tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Chey Tae Won cho biết SK mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, đóng góp vào mục tiêu Net zero của Việt Nam vào năm 2050. Ông Chey Tae Won nhấn mạnh, với việc coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chiến luợc đầu tư trong thời gian tới.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật