spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp6 doanh nghiệp Nhà nước sắp 'chuyển nhà' từ 'siêu Ủy ban'...

6 doanh nghiệp Nhà nước sắp 'chuyển nhà' từ 'siêu Ủy ban' về Bộ Công Thương

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Công Thương chuẩn bị tiếp nhận 6 doanh nghiệp Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
6 doanh nghiệp Nhà nước sắp 'chuyển nhà' từ 'siêu Ủy ban' về Bộ Công Thương- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương, Bộ này cho biết sẽ tiếp nhận lại chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 6 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) sẽ được chuyển từ “siêu Ủy ban” về lại Bộ Công Thương.

Được biết, các tập đoàn, tổng công ty này từng thuộc quản lý của Bộ Công Thương, nhưng được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào tháng 11/2018. Như vậy, sau 6 năm, 6 “ông lớn” Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng lại quay về chịu sự quản lý của Bộ Công Thương.

Hiện, số vốn Nhà nước tại 6 doanh nghiệp này khoảng 800.000 tỷ đồng. Mức này tương đương 70% vốn Nhà nước mà siêu uỷ ban nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Ngoài tiếp nhận lại các doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sau sắp xếp dự kiến giảm tối thiểu 15 – 20% đầu mối tổ chức bên trong.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 cùng với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đến nay Ủy ban đã cơ bản tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của 5 bộ để các bộ tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành chính sách.

Hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định. Hoàn thành xử lý hầu hết 259 công việc thuộc trách nhiệm các bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ sau khi tiếp nhận doanh nghiệp.

Cũng theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%).

Tổng nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2018-2023 của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của cả nước.

Về tình hình tài chính hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước để có biện pháp tháo gỡ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, các bộ ngành có liên quan để thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại được hiệu quả nhất, đảm bảo theo tiến độ đã đề ra.

Nâng cao được công tác quản lý vốn đầu tư và để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động trong sử dụng vốn đầu tư như vậy mới tăng sự cạnh tranh trong xu thế mới.

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ để tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính, các đơn vị khác theo kế hoạch sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy.

Ủy ban cần phối hợp với các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty để có phương án sắp xếp đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật