Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với nhiều điểm đáng chú ý về lợi nhuận, chất lượng tài sản và dòng vốn.
Hoạt động khác ‘cứu cánh’, ACB báo lãi 4.900 tỷ đồng quý II
Trong quý II, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.881 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là phần lớn tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nhập khác, không phải hoạt động cốt lõi.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 812 tỷ đồng, tăng tới 187% so với quý II/2024. Ngược lại, thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính – đạt 6.683 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng sụt giảm mạnh 33%, còn 585 tỷ đồng.
Ở chiều tích cực, hoạt động kinh doanh ngoại hối khởi sắc với lợi nhuận 670 tỷ đồng, tăng 57% so với quý II/2024. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 21% còn 463 tỷ đồng, góp phần củng cố lợi nhuận quý.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 8.559 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 8.374 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 2,2%.
![]() |
Kết quả kinh doanh của ACB |
Nợ xấu có khả năng mất vốn ở mức gần 5.900 tỷ đồng
Tính đến cuối quý II/2025, dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 633.748 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tới 67%, đạt hơn 425.700 tỷ đồng. Phần lớn dư nợ (chiếm 99%) là khoản vay của tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước.
Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 ghi nhận đạt 7.964 tỷ đồng, giảm 7,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là 1.033 tỷ đồng, tăng 12%; nợ nghi ngờ (nhóm 4) là 1.036 tỷ đồng, tăng gần 6%; còn nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 12%, còn 5.894 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: ACB |
Tiền gửi khách hàng đến cuối quý II đạt hơn 567.400 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 120.886 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng tiền gửi.
ACB cũng đẩy mạnh rót tiền vào chứng khoán đầu tư với tổng giá trị lên tới 133.862 tỷ đồng, tăng 22,9% so với đầu năm. Các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào trái phiếu Chính phủ và chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành… Tổng lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm đạt 444 tỷ đồng.
Về dòng vốn, một điểm nổi bật khác trong nửa đầu năm là ACB tăng mạnh lượng vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối quý II, dư nợ vay từ nguồn này lên đến hơn 18.900 tỷ đồng, tăng gần 11.000 tỷ đồng so với đầu năm.
>> ACB có gần 6.600 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn