Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và kết quả kinh doanh năm 2024 với một số thông tin đáng chú ý. Bất ngờ nhất là ACB thuộc danh sách những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong ngành năm nay.
Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của ACB đạt 4.545 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 chỉ đạt 16.790 tỷ đồng, tăng trưởng 4,65% so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ACB qua các năm |
ACB rót 121.000 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư
Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của ACB là việc gia tăng ‘rót’ tiền vào chứng khoán đầu tư. Đến cuối năm 2024, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của ACB đã đạt 121.090 tỷ đồng, tăng 64,8% so với đầu năm. Trong đó, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán chiếm phần lớn, đạt hơn 108.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại giảm mạnh. Trong khi năm 2023, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư hơn 2.647 tỷ đồng, thì năm 2024, con số này chỉ còn hơn 450 tỷ đồng, giảm 83%.
Ngoài ra, ACB còn ‘rót’ 3.881 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, giảm 46% so với đầu kỳ. ACB đã phải trích lập dự phòng tổng cộng 147 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Nguồn: ACB |
>> ACB có 6.700 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) tăng mạnh 47%
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ACB là mảng kinh doanh cốt lõi. Thu nhập lãi thuần năm 2024 của ACB đạt gần 27.800 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập lãi và các khoản tương tự đã giảm 2,76%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 15,6% so với năm trước.
Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng đã tăng mạnh lên 580.686 tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng đạt 537.304 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm. Điều này phản ánh tác động của biến động lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Chất lượng cho vay của ACB |
Một vấn đề quan trọng được nhắc đến trong báo cáo là chất lượng nợ vay của ACB. Nợ xấu của ngân hàng vượt 8.600 tỷ đồng, tăng tới 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,22% lên 1,51%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng mạnh đến 73%, lên 6.748 tỷ đồng.
>> Âu Lạc báo lãi kỷ lục 261 tỷ đồng, đã thoái hết vốn tại ACB