Trong talkshow “Người trở về” số đầu tiên của báo điện tử Vnexpress, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đã chia sẻ câu chuyện quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp 40 năm trước – điều mà ông gọi là “nhiệm vụ đặc biệt” cho quê hương.
Lần đầu trở về Việt Nam và tiếng thét ám ảnh
Năm 1985, ông Hạnh Nguyễn đang làm thanh tra tài chính cho Boeing ở Mỹ. Khi Việt Nam đang chịu lệnh cấm vận, ông nhận được một cuộc gọi từ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, mời về thăm gia đình.
“Đồng ý trở về nhưng tới quê vợ ở Philippines, chúng tôi vẫn chần chừ. Linh tính mách bảo chuyến đi sẽ không dễ dàng ”, ông nhớ lại.
Đúng như dự đoán, ngay đêm đầu tiên ở Việt Nam, hai đứa con nhỏ của vợ chồng ông phải nhập viện vì sốt xuất huyết. Bấy giờ dịch đang hoành hành khắp miền Nam nhưng rất thiếu thuốc men.
Vị bác sĩ biết Hạnh Nguyễn đã phải thốt lên: Tại sao ông lại đem hai cháu nhỏ về Việt Nam lúc này? Đêm đó, vợ chồng ông Hạnh Nguyễn phải thức trắng, dùng một biện pháp dân gian để hạ sốt cho con: Cắt chanh chà lên người.
“Nửa đêm, ở phòng bên cạnh, một người mẹ thét lên: ‘Anh ơi, con chết rồi! ’. Đứa trẻ đó cũng bị sốt xuất huyết ” – ông xúc động kể – “ Tôi lặng người. Hai vợ chồng lại ra sức chà chanh. May mắn, đến 8h sáng hôm sau, hai con hạ sốt. Vợ tôi lập tức bế chúng về Philippines. Tôi bị cả gia đình mắng vì quyết định của mình ”.
Lần thứ hai trở về Việt Nam: Một mình
Dẫu vậy, ông vẫn nhận lời mời về nước lần thứ hai và lần này, ông quyết định gửi vợ con lại cho ông bà, một mình quay lại Việt Nam.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông Hạnh Nguyễn là giúp Việt Nam mở được đường bay với Philippines. Đây cũng là đường bay quốc tế đầu tiên. Ngay khi có giấy phép, ông Hạnh Nguyễn đã đề nghị Sở Y tế cung cấp danh sách các loại thuốc cấp thiết nhất.
“Vì suýt mất con trong gang tấc, tôi tự bỏ tiền mua thuốc đưa về nước trong những chuyến bay đầu tiên. Sau đó, tôi vận động bà con kiều bào gửi thuốc, hàng hoá về cho gia đình. Những chuyến bay vào lúc nào cũng đầy hàng, nhưng khi bay ra lại trống rỗng. Càng bay thì càng lỗ.
Tôi đã đem về 30 triệu USD, nhưng ba năm vận hành đường bay tôi lỗ 5 triệu USD. Số tiền này đủ để tôi mua 500 căn nhà ở quận 1, lúc ấy chỉ khoảng 10.000 USD mỗi căn”, ông Hạnh Nguyễn kể lại.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, ông Hạnh Nguyễn lúc bấy giờ mà còn mở rộng ra sản xuất và du lịch nhằm tạo việc làm, luân chuyển dòng tiền trong xã hội. Ông mở nhà máy song mây, nhà máy khoá kéo để xuất khẩu. Song song, ông cũng xây khách sạn 14 tầng đầu tiên ở Nha Trang để hút khách du lịch….

Ông Hạnh Nguyễn cũng chia sẻ lúc đó dễ làm ăn hơn bây giờ vì chưa có cạnh tranh, thủ tục cũng rất đơn giản. Chỉ trong vài ngày là có giấy phép kinh doanh, nên có thể nhanh chóng đưa nhà đầu tư vào, chuyển tiền xây dựng, và trong vòng vài tháng đã có nhà máy đầu tiên về song mây xuất khẩu. Việc xây dựng khách sạn Nha Trang Lodge cũng diễn ra rất nhanh chóng….
Giai đoạn 1985-2000, trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, hầu hết hoạt động kinh doanh của ông đều có sự hợp tác với Nhà nước, bao gồm tham gia góp vốn hoặc đầu tư theo hình thức liên kết, giống như công ty dây khóa kéo Nha Trang.
Dưới góc nhìn của mình, sau 40 năm, ông Hạnh Nguyễn nhận định Việt Nam phát triển theo xu hướng chung của thế giới, từ sản xuất may mặc, gia công xuất khẩu tới khu công nghiệp. Song, bản thân ông thì không theo hướng vì không phải thế mạnh của mình.
“Ngay từ đầu, tôi đã lập bản đồ phát triển cho mình, chỉ đợi thời cơ triển khai thôi. Giai đoạn đầu, mục tiêu của tôi là tạo nền tảng. Tới những năm đầu 2000, có cơ chế chính sách để tư nhân phát triển, tôi đã định hướng con đường của mình sẽ là bán lẻ, hàng xa xỉ.
Xuất thân từ ngành kinh tế, nhiều năm ở Mỹ, quan sát thêm những thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, tôi hiểu định luật thị trường rằng nhu cầu con người luôn phát triển khi kinh tế một đất nước phát triển. Ăn ngon rồi họ sẽ cần mặc đẹp, thể hiện đẳng cấp.
Vì vậy, tôi kiên định với thế mạnh của mình trong ngành hàng không và phân phối hàng hiệu. Quan trọng nhất vẫn là kinh doanh có đạo đức, tuân thủ pháp luật”, ông nói.
Trở thành “vua hàng hiệu” với “cơ ngơi” IPPG
Cho đến nay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn được biết đến là một trong những doanh nhân chuyên về bán lẻ hàng không, với biệt danh “vua hàng hiệu”.

Trong đó, IPPG – doanh ngiệp được ông thành lập năm 1986 – hiện là một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với quy mô 25.000 nhân viên, sở hữu 35 công ty thành viên và công ty liên doanh.
Bên dưới IPPG là hàng chục công ty thành viên trong đó những công ty nổi bật có thể kể đến như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS), Trung tâm thương mại Tràng Tiền…
DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace… còn ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi’s, Diesel, Mango, Nike…
Vài năm gần đây, IPPG đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực hàng không, dịch vụ sân bay. IPP cùng DAFC và ACFC hiện còn nắm giữ hơn 45% cổ phần của SASCO – công ty dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Sasco có nguồn thu chủ yếu từ kinh doanh phòng khách thương gia, kinh doanh hàng miễn thuế cũng như kinh doanh thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng một số sân bay ở khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, IPPG còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 30% cổ phần của Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.