“Hôm qua và nay nổ đơn lấy đồ ăn ở trung tâm thương mại rất khổ, thường mất gần một tiếng mới hoàn thành”, Văn Minh, tài xế GrabBike nói vào sáng 23/1, tức 25 tháng Chạp, lúc xếp hàng chờ nhận đơn giao đồ uống tại quán cà phê trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP HCM.
Anh ví dụ đơn lấy ở trung tâm thương mại như Lotte hay Vạn Hạnh Mall, không thể dưới 45 phút để giao. “Ngoài tốn công giữ xe, mấy chỗ đó rộng, nhiều cửa hàng và đông nghẹt người đến chơi mấy hôm nay. Vào tìm quán đã mất thời gian rồi lại xếp hàng mòn mỏi”, anh nói.
Chạy cùng lúc nhiều dịch vụ từ giao đồ ăn, giao hàng, chở người, Văn Minh nói nửa tháng nay nhiều tài xế nghỉ về quê sớm vì đường sá tuần trước quá kẹt. Sang tuần này, đường đỡ tắc nhưng vì ít tài xế hơn, nhu cầu chở người tăng vọt và các hàng quán, cửa hàng kinh doanh vào cao điểm đông đúc nên việc giao nhận hàng vẫn áp lực cao, nguy cơ thu nhập giảm và làm việc không thoải mái.
Nguyễn Hiếu, tài xế đa dịch vụ của nền tảng Be, ví dụ việc nhận đơn cũng mất nhiều thời gian hơn vì đường đông, thiếu tài xế. “Với đơn giao hàng thường 20 phút tôi mới đến kịp còn chở người có lúc cũng 10-15 phút, trong khi bình thường nhận đơn nào cũng chỉ cần 3-5 phút là có mặt”, anh nói.
Tại Hà Nội, các shipper, tài xế công nghệ cho hay đơn giao hàng nổ liên tục nửa tháng gần đây, chủ yếu là của các cửa hàng, cá nhân giao quà Tết, thực phẩm hay hàng cần vận chuyển gấp. Càng cận Tết thì shipper chạy đua giao đồ ăn nhiều hơn.
Anh Ngô Hồng Sơn, tài xế GrabBike tại Hà Nội nói thường nhận đơn sau gần 10 phút “nổ cuốc”. “Hôm 19/1, tôi mất một giờ để đi giao gần 2 km. Giá cước tăng trong các ngày cao điểm với tôi cũng không nhiều ý nghĩa, vì phần chi trả cho nền tảng cũng cao tương ứng”, anh kể.
Theo các shipper, ngoài nhu cầu đặt giao hàng, đồ ăn tức thời qua ứng dụng tăng cao mùa Tết, việc đi lại chậm hơn kể từ khi người dân nghiêm túc chấp hành Nghị định 168 tạo thành một “combo” gây áp lực cho công việc.
Thậm chí, số ít tài xế thấy bất an. Nguyễn Hiếu gần đây không thoải mái khi có ai đó chụp hình bằng điện thoại nơi công cộng. “Có hôm tôi lên vỉa hè chờ khách hơi lâu. Ngay lúc đó, có người giơ máy lên mà tối về lo lắng ngủ không yên”, anh kể.
Phản hồi với VnExpress, ShopeeFood xác nhận nhu cầu đặt món & đi chợ online của người dùng tăng cao những ngày qua. Hiệu ứng càng “nóng” khi các thương hiệu và nhà hàng đang tích cực tung ra nhiều chương trình ưu đãi, tri ân, kích cầu chào xuân, theo đại diện nền tảng.
Tình hình khiến các shipper, tài xế công nghệ gần đây vất vả hơn. Theo đánh giá của công ty, nhìn chung, tài xế mất nhiều thời gian hơn trước để đón khách và hoàn thành cuốc xe, nhất là trong khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực của tài xế và một số cải tiến công nghệ, hãng ghi nhận số cuốc xe hoàn thành tuần qua cao hơn hẳn so với tuần trước đó.
Be Group cũng xác nhận việc tốn nhiều thời gian làm giảm năng suất hoạt động của tài xế. Lý do bởi nhu cầu “tăng cao đột biến” và tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm trong giai đoạn cận Tết.
Ngoài ra, một lý do riêng là sự mở rộng quy mô của nền tảng góp phần tạo áp lực lên hệ thống. Từ 10 triệu khách hàng vào quý I/2024, đến nay con số đã tăng lên 15 triệu, tương đương mức tăng trưởng 50%. Một số người dùng phản ánh, liên tục trong chiều 21 và 22/1, ứng dụng Be gặp các sự chập chờn trong thời gian ngắn, khiến không thể đăng nhập hay đặt dịch vụ.
Để hỗ trợ shipper vận hành mùa Tết thuận lợi hơn, Be cho biết tiếp tục cải tiến bản đồ và tính năng chỉ đường để gợi ý lộ trình tối ưu, tránh các điểm tắc nghẽn. ShopeeFood cho hay luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đội ngũ tài xế để đảm bảo trải nghiệm liền mạch trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Ứng dụng gọi đồ ăn này treo thưởng shipper đua năng suất giai đoạn Tết với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, Grab tiếp tục triển khai chương trình thưởng và gắn kết đặc biệt dành cho cả đối tác tài xế.
Nhà chức trách cũng vừa có loạt giải pháp kéo giảm ùn tắc giai đoạn giáp Tết. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng khắc phục các hạn chế, bất cập của hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông.
Đến ngày 23/1, tức 24 tháng Chạp, tình hình lưu thông nhiều khu vực nội đô Hà Nội và TP HCM thông thoáng hơn cao điểm cuối tuần qua. Các tài xế cho biết một số khung giờ đã thuận tiện đi lại, có cơ hội cải thiện thu nhập.
Hộ khẩu tại Sóc Trăng, anh Huỳnh Văn Chanh dự định “cày” đến hết ngày 27 Tết ở TP HCM trước khi khăn gói về quê. “Tôi tính 3 hôm tới cũng kiếm được 1,5 triệu đồng, so với thông thường thì thu nhập mỗi ngày chỉ khoảng 300.000 đồng. Thêm đồng nào hay đồng đó”, anh nói.
Anh Hồng Sơn có vợ và ba con, con lớn đã vào đại học. “Nhà ở ngay huyện Đông Anh nên tôi tính bật app kiếm khách đến hết ngày 28 Tết mới nghỉ. Vì miếng cơm nên đường kẹt hay không vẫn ráng chạy thôi”, anh nói.
Viễn Thông – Thủy Trương