Từ trại giam, bà Trương Mỹ Lan – người liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát – đã gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc định giá tài sản.
Trong đơn, bà nhấn mạnh việc đảm bảo định giá tài sản phù hợp với giá trị thị trường nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi cho Nhà nước, đồng thời ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộtrong quá trình xử lý tài sản.
Hai công ty thẩm định giá bà Trương Mỹ Lan nhắc tới
Bà Lan cho biết, tổng giá trị tài sản của bà hiện do Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) quản lý, ước tính khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà, đã xuất hiện sự chênh lệch đáng kể trong kết quả định giá giữa hai tổ chức độc lập là Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân và Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam (VAAE).
Thẩm định giá Hoàng Quân là doanh nghiệp được chọn thẩm định giá tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát. Trong thư gửi từ trại giam, bà Trương Mỹ Lan lấy một số ví dụ cụ thể về chênh lệch giá thẩm định. Theo đó, chỉ tính riêng 4 trong tổng số 726 mã tài sản được định giá, mức chênh lệch đã lên tới hơn 193.000 tỷ đồng: Hoàng Quân định giá hơn 75.000 tỷ, còn VAAE đưa ra con số 269.000 tỷ đồng.
Thẩm định giá Hoàng Quân thành lập từ năm 2002, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Ban đầu, công ty có 5 cổ đông, trong đó Địa ốc Hoàng Quân (HQC) nắm 40%. Tuy nhiên, từ năm 2019, danh sách cổ đông công ty không còn sự hiện diện của địa ốc Hoàng Quân.
Hiện tại, thẩm định giá Hoàng Quân do ông Bùi Quốc Nam làm Tổng Giám đốc, ông Mai Xuân Khoa là Giám đốc. Cơ cấu sở hữu gồm:
– Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: 48%;
– Ông Trương Thái Sơn: 39%;
– Ông Mai Xuân Khoa: 2%;
– Bà Tạ Thị Lan Anh: 1%;
– Bà Đinh Thị Thu Trâm: 10%.
Trên Website, thẩm định giá Hoàng Quân tự giới thiệu là thành viên duy nhất tại Việt Nam gia nhập Hiệp hội Thẩm định giá Thế giới (WAVO), chuyên định giá bất động sản, động sản, dự án đầu tư, doanh nghiệp, khoáng sản…
Với hơn 22 năm hoạt động, thẩm định giá Hoàng Quân đã hợp tác với gần 20 tổ chức tài chính trong và ngoài nước, phục vụ hơn 18.000 khách hàng. Đội ngũ khoảng 500 nhân sự với 50 chi nhánh. Công ty từng nhận nhiều giải thưởng như “Thương hiệu dẫn đầu Việt Nam 2023”, “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam”, “Thương hiệu mạnh châu Á”…
Trong khi đó, Công ty CP Thẩm định giá tài sản Việt Nam (VAAE) được thành lập vào tháng 11/2010, ban đầu có vốn điều lệ 800 triệu đồng và 5 cổ đông sáng lập. Hiện tại, ông Lê Đôn đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 98%, hai cổ đông còn lại là ông Dương Ngọc Quý và ông Bùi Việt Linh nắm 1% mỗi người. Các cổ đông sáng lập khác đã rút hết vốn.
Đến tháng 2/2017, công ty tăng vốn điều lệ lên 4 tỷ đồng. Hiện nay, VAAE do ông Nguyễn Xuân Tiên (sinh năm 1994) giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Hiện VAAE có 3 chi nhánh ký phát hành chứng thư thẩm định và 29 văn phòng đại diện tại các tỉnh thành trên cả nước.

>> Profile công ty Hoàng Quân – đơn vị ‘phán’ giá trị các tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị được định giá lại tài sản phù hợp với thời điểm hiện tại
Bà Trương Mỹ Lan nhắc lại, trong danh sách tài sản của bà, có 440 mã tài sản thế chấp tại SCB chưa được định giá (giá trị xem như bằng 0). Theo bà, trong đó có nhiều bất động sản lớn, bao gồm quyền sử dụng đất tại các vị trí đắc địa như quận 1 và quận 5, TP. HCM – những nơi có tiềm năng tăng giá rất cao.
Bên cạnh đó, theo bảng giá đất mới được thành phố Hồ Chí Minh ban hành, thì giá trị khối tài sản của bà phải có giá trị tăng gấp 3, gấp 5 lần hiện nay.
Bà Trương Mỹ Lan nhấn mạnh trong đơn: Việc chênh lệch định giá tài sản giữa hai đơn vị là đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến quá trình thu hồi tài sản cho Nhà nước nếu không được giám sát chặt chẽ.
Bà đề xuất cần có hội đồng thẩm định độc lập, khách quan, đồng thời đảm bảo việc định giá phải “phù hợp thực tế thị trường, tránh thất thoát tài sản công, và không bị thao túng bởi lợi ích cục bộ”.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ tên Công ty thẩm định giá cho dự án Mũi Đèn Đỏ