spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp‘Báo động đỏ’ về sức khỏe doanh nghiệp tư nhân: Liên tục...

‘Báo động đỏ’ về sức khỏe doanh nghiệp tư nhân: Liên tục thiếu đơn hàng, sẵn sàng cắt giảm lao động

Một doanh nghiệp dệt may cho biết, hiện mới đủ đơn hàng đến hết tháng 9, nếu không có thêm đơn hàng mới sẽ phải cho toàn bộ công nhân tạm nghỉ việc.

“Khó khăn” là hai từ ngắn gọn mà ông Hoàng Quang Lâm, Giám đốc CTCP Xây dựng Hoàng Vượng, nói về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mình ở thời điểm hiện tại. Ông Lâm cho biết tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng giảm sút đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho công nhân. Doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động nhưng tương lai vẫn còn nhiều bất ổn.

Ông Lâm chia sẻ: “Do khó khăn, nhiều đối tác chậm thanh toán tiền nên chúng tôi nhiều khi cũng phải nợ lương của công nhân. Việc vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh rất khó khăn bởi hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính năm trước và phải có lãi thì năm sau mới được vay nhưng với tình cảnh khó khăn này thì doanh nghiệp lấy đâu ra lãi”.

‘Báo động đỏ’ về sức khỏe doanh nghiệp tư nhân: Liên tục thiếu đơn hàng, sẵn sàng cắt giảm lao động
Ảnh minh hoạ

Giống với CTCP Xây dựng Hoàng Vượng, một doanh nghiệp dệt may than vãn rằng tình hình kinh doanh của họ đã trở nên khó khăn hơn nhiều kể từ sau đại dịch Covid-19. Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Hiện tại, chúng tôi mới có đủ đơn hàng đến hết tháng 9. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không tìm được thêm đơn hàng mới, chúng tôi sẽ buộc phải cho toàn bộ công nhân tạm nghỉ việc, dù hiện tại, số công nhân nghỉ việc đã là 25%”.

Tuy nhiên, so với hàng trăm nghìn doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động trong nửa đầu năm 2024, những khó khăn mà hai doanh nghiệp dệt may trên đang gặp phải có thể chưa là gì cả.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại lên tới 110,3 nghìn. Điều này cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay là vô cùng khốc liệt.

Bên cạnh đó, khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân tại 63 tỉnh thành, cho thấy một bức tranh ảm đạm về tình hình kinh doanh hiện nay. Theo đó, chỉ có khoảng 27% số doanh nghiệp trong hơn 10.000 doanh nghiệp được hỏi cho biết có kế hoạch mở rộng quy mô trong thời gian tới.

Bình luận về con số này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, cho biết đây là con số thấp nhất kể từ khi VCCI tiến hành điều tra về PCI từ năm 2005. Ông nói thêm: “Con số này thấp hơn con số 34%-35% của năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Kể cả giai đoạn COVID-19, tỷ lệ này cũng lên đến 35%-37%”.

Theo Phó tổng thư ký VCCI, nếu nhìn con số tổng thể, kinh tế Việt Nam cũng khá sáng, tăng trưởng GDP tốt, xuất khẩu cũng tốt. Song điều đáng phải lo ngại là năng lực thực sự của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, khi họ đang ‘yếu dần’.

>>7 tháng đầu năm 2024: Bình quân mỗi tháng có hơn 17.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây