spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpBất chấp áp lực thuế quan, các doanh nghiệp Đức vẫn xem...

Bất chấp áp lực thuế quan, các doanh nghiệp Đức vẫn xem Việt Nam là cứ điểm đầu tư

Việt Nam giữ vững sức hút với doanh nghiệp Đức nhờ môi trường ổn định và vai trò trung tâm sản xuất trong khu vực.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK – Mùa xuân 2025 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam) vừa công bố, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục nhìn thấy nhiều cơ hội, song cũng không ít rủi ro và thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Dù cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm Mỹ công bố áp thuế mới, nhiều doanh nghiệp tham gia vẫn chưa đánh giá được đầy đủ tác động tiềm ẩn từ chính sách này. Tuy nhiên, kết quả cho thấy Việt Nam vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư Đức, bất chấp những bất ổn toàn cầu đang gia tăng.

Cụ thể, 54% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc trong năm tới. 80% đánh giá điều kiện kinh doanh hiện tại là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, phản ánh môi trường đầu tư – kinh doanh ở Việt Nam đang duy trì được sự ổn định tương đối. Đáng chú ý, 38% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư và 43% dự kiến mở rộng quy mô tuyển dụng trong năm 2025.

Bất chấp áp lực thuế quan, các doanh nghiệp Đức vẫn xem Việt Nam là cứ điểm đầu tư
Nguồn: AHK Vietnam

>> Mỹ chính thức đăng tải thông cáo về cuộc đàm phán thuế quan với Việt Nam

“Những con số này tiếp tục khẳng định vai trò kép của Việt Nam: Vừa là trung tâm sản xuất quan trọng, vừa là điểm thay thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, báo cáo của AHK Vietnam nhấn mạnh.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp Đức cũng chỉ ra một loạt thách thức đang đối mặt. Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sụt giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn bị tác động gián tiếp do phụ thuộc vào các đối tác có liên quan đến thị trường này. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch dài hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi chính sách đột ngột, hệ thống pháp lý còn thiếu rõ ràng, sự đối xử chưa bình đẳng trong thương mại và các quy định thuế nhập khẩu gia tăng cũng đang làm phức tạp thêm môi trường đầu tư. Một số doanh nghiệp Đức phản ánh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trong đó các doanh nghiệp nội địa được hưởng lợi thế hơn hẳn.

Giá nguyên vật liệu thô tăng cao và sự đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch tiếp tục là những yếu tố làm gia tăng áp lực chi phí đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, các mức thuế mới của Mỹ được nhận định sẽ có ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động xuất khẩu, thể hiện sự liên thông ngày càng lớn giữa kinh tế Việt Nam và các biến động toàn cầu.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm tựa vững chắc nhờ vị thế trung lập và vai trò trung tâm sản xuất trong ASEAN. Đặc biệt, việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày càng phát huy hiệu quả đã góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hoạt động thương mại giữa hai nước.

Bất chấp áp lực thuế quan, các doanh nghiệp Đức vẫn xem Việt Nam là cứ điểm đầu tư
Nguồn: AHK Vietnam

>> Tỉnh Hải Dương tăng cường lực lượng hỗ trợ thủ tục hải quan 24/7 nhằm ứng phó thuế quan

Theo AHK Vietnam, trong năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Đức đã vượt 18,8 tỷ Euro (khoảng 20,4 tỷ USD). Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Đức đã mở rộng hiện diện tại Việt Nam trong năm qua.

Đơn cử, Ziehl-Abegg khai trương nhà máy 20 triệu USD tại Đồng Nai chuyên về công nghệ thông gió và truyền động; Karcher khánh thành nhà máy trị giá 19,4 triệu USD tại Quảng Nam sản xuất thiết bị làm sạch; Sudwolle Group đưa vào hoạt động nhà máy nhuộm sợi 21 triệu USD tại Ninh Thuận.

Đáng chú ý, mặc dù không phải là doanh nghiệp Đức, nhưng việc tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa khánh thành nhà máy thứ hai tại miền Nam Việt Nam đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Đức đang trong quá trình tìm hiểu và khảo sát thị trường.

>> Ông Trump bất ngờ thông báo tái áp thuế trong vài tuần tới với một số quốc gia dù chưa hết 90 ngày đàm phán

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật