spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpBí quyết giúp Phê La của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên...

Bí quyết giúp Phê La của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim trở thành trào lưu ‘cà phê lúc bình minh’

Chỉ trong 9 ngày mở cửa từ 4 giờ sáng, Phê La của bà Trương Nguyễn Thiên Kim đã thu hút hơn 4.000 lượt thảo luận.

Theo báo cáo “Brand Audit on Social Media” từ Phê La, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2024, trào lưu đi cà phê ngắm phố phường vào lúc 4 giờ sáng đã giúp Phê La trở thành thương hiệu chuỗi trà sữa được nhắc đến nhiều nhất trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong 3 tháng này, thị trường chuỗi trà sữa tầm trung, với mức giá khoảng 40.000 đồng/ly, trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Bốn thương hiệu lớn là Phê La, Gong Cha, LaSiMi và Bobapop đã thu hút gần 70.000 lượt thảo luận trên mạng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Phê La ghi nhận mức tăng ấn tượng với hơn 70% lượt thảo luận, trong khi Gong Cha tăng 30%, còn LaSiMi và Bobapop lại giảm hơn 15%.

Theo các chuyên gia từ YouNet Media, một nền tảng phân tích dữ liệu mạng xã hội và thương mại điện tử, xu hướng cà phê sáng sớm kết hợp cùng các chiến dịch truyền thông sáng tạo đã giúp Phê La nâng cao đáng kể độ nhận diện thương hiệu.

Trong suốt 3 tháng, số lượng thảo luận về Phê La liên tục tăng cao, đặc biệt trong tháng 6 và tháng 8, với đỉnh điểm lần lượt đạt 12.500 và 11.900 cuộc thảo luận. Đáng lưu ý, tháng 6 cũng là thời điểm Phê La cho ra mắt chi nhánh Tông Đản (Hà Nội), từ đó khởi xướng trào lưu cà phê sáng sớm.

Bí quyết giúp Phê La của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim trở thành trào lưu 'cà phê lúc bình minh'
Giới trẻ xếp hàng dài từ 4h sáng tại Phê La chi nhánh Tông Đản (Hà Nội)

Chỉ trong 9 ngày mở cửa từ 4 giờ sáng, Phê La đã thu hút hơn 4.000 lượt thảo luận, chiếm hơn 30% tổng số cuộc thảo luận về thương hiệu trong 3 tháng. Những video trên TikTok cùng các bài đăng trên mạng xã hội chia sẻ không gian yên tĩnh, những cuộc trò chuyện thân mật cùng bạn bè tại quán cà phê vào lúc bình minh nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ, biến hoạt động này thành trào lưu nổi bật.

>> Phê La thế chỗ The Coffee House lọt top 5 chuỗi F&B uy tín nhất Việt Nam

Hình ảnh dòng người xếp hàng dài từ sáng sớm cũng nhanh chóng trở thành chủ đề thảo luận nóng trên mạng xã hội trong nhiều ngày sau đó.

“Không thể phủ nhận rằng Phê La đã tạo nên một phong cách thưởng thức cà phê cũ mà mới lạ, không chỉ giúp thương hiệu lan tỏa mạnh mẽ trên truyền thông mà còn tăng trưởng thực tế về doanh số bán hàng tại cửa hàng”, một chuyên gia từ YouNet Media nhận định.

Chuỗi cửa hàng Phê La hiện do Công ty Cổ phần Phê La vận hành, với tổng số 33 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại những vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Chủ tịch HĐQT của Phê La là bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ của CEO Công ty Chứng khoán Vietcap. Bà Thiên Kim cũng là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Café Katinat, đơn vị sở hữu hệ thống Katinat Saigon Kafe. Cả hai chuỗi này đều thuộc hệ sinh thái F&B của Công ty Cổ phần D1 Concepts.

Bí quyết giúp Phê La của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim trở thành trào lưu 'cà phê lúc bình minh'
Bà Trương Nguyễn Thiên Kim sở hữu 2 chuỗi cà phê hot nhất hiện nay là Phê La và Katinat

D1 Concepts được biết đến là doanh nghiệp sở hữu nhiều chuỗi F&B khác như nhà hàng San Fu Lou, nhà hàng Dì Mai, nhà hàng Nhật Sorae, chuỗi cà phê Cafeda và thương hiệu cà phê CAFEDA… với quy mô gần 30 cửa hàng trên toàn quốc.

Theo Vietdata, năm 2023 chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường trà sữa tại Việt Nam, trong đó Phê La nổi lên như một hiện tượng mới với xu hướng trà sữa đậm vị.

Phê La tạo sự khác biệt nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trà Ô Long từ Đà Lạt. Thực đơn của Phê La cũng đa dạng với nhiều phương pháp pha chế độc đáo, khiến mức giá cho mỗi ly trà dao động từ 40.000-60.000 đồng.

Trong năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hàng chục tỷ đồng. Theo các chuyên gia phân tích tại Vietdata, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tiềm năng phát triển bền vững của thương hiệu này trong tương lai.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Momentum Works và qlub, quy mô thị trường trà sữa năm 2021 đạt khoảng 362 triệu USD, đứng sau Thái Lan (749 triệu USD) và Indonesia (1,6 tỷ USD).

Mức giá trung bình cho một ly trà sữa tại Việt Nam dao động từ 30.000-70.000 đồng, tùy theo kích cỡ và loại topping. Trà sữa là loại đồ uống có tần suất tiêu thụ cao, đặc biệt được giới trẻ ưa chuộng.

Theo khảo sát từ Unica, tại Hà Nội, có đến 50% số người được hỏi cho biết họ mua ít nhất một ly trà sữa mỗi tuần, bởi vì thức uống này không chỉ ngon mà còn tiện lợi, dễ mang đi.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật