Nếu không có thay đổi lớn, trong vài ngày tới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nghị quyết về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo báo Đầu tư, đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất, đánh dấu bước chuyển giai đoạn của công trình hạ tầng chiến lược này, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Ngoài việc xác định kế hoạch tổng thể, nghị quyết sẽ đề ra các mốc tiến độ cụ thể và những phạm vi công việc trọng yếu của dự án. Một nhiệm vụ quan trọng ngay từ giai đoạn đầu là lựa chọn tư vấn để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể – FEED) và chuẩn bị hồ sơ mời thầu cho gói thầu EPC. Đây là một dự án có quy mô lớn, áp dụng công nghệ phức tạp và chưa từng có tiền lệ trong ngành xây dựng giao thông tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nguồn: baodautu.vn |
Bên cạnh việc đáp ứng các mục tiêu của dự án, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nêu cao tinh thần tự lực, tự cường trong suốt quá trình thực hiện. Dự án cần huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, không chỉ ở khâu đầu tư xây dựng mà còn trong vận hành, khai thác công trình.
Quốc hội cũng đã đặt ra những yêu cầu rõ ràng trong việc phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ. Theo đó, các tổng thầu và nhà thầu phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước.
Đối với các gói thầu đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu cần bao gồm điều kiện bắt buộc về cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để các đối tác Việt Nam có thể làm chủ các công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ.
Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chỉ thực sự thành công trọn vẹn khi doanh nghiệp Việt Nam được tham gia sâu vào dự án. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp đảm nhận khối lượng công việc lớn mà còn tạo cơ hội tích lũy kinh nghiệm, làm chủ công nghệ, từ đó vững bước trong việc triển khai các công trình tương tự sau này.
Với vai trò đi trước mở đường và làm cầu nối tiếp nhận công nghệ, sự tham gia của các kỹ sư tư vấn Việt Nam ngay từ giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế, chính là chìa khóa mở ra cánh cửa tự lực, tự cường. Đội ngũ tư vấn không chỉ tiên phong trong việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính khách quan, độc lập với các tổng thầu, đồng thời kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam.