Ngành bán lẻ tiêu dùng liên tục mở rộng thị phần
Những tháng cuối năm 2024, Bách Hóa Xanh tái khởi động quá trình mở mới điểm bán ở nhiều tỉnh thành để phục vụ mùa cao điểm trong bối cảnh vừa mới báo lãi và cũng gọi được vốn từ quỹ đầu tư ngoại.
Chuỗi siêu thị thực phẩm mini thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) muốn mở thêm 100-200 cửa hàng trong năm 2025 để tiếp cận thêm khách hàng ở các khu vực mới, sau gần 2 năm tập trung cải thiện khả năng sinh lời.
Sau cuộc tái cấu trúc hệ thống 1.700 cửa hàng khắp 25 tỉnh thành từ Khánh Hòa trở vào, Bách Hóa Xanh bắt đầu khai trương các điểm bán đầu tiên tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong tháng 11/2024 và cũng cân nhắc mở thử nghiệm ở miền Bắc. Đây là sự chuyển hướng đáng chú ý của chuỗi này sau những ngày chỉ lo thu hẹp hệ thống và cải thiện hiệu quả vận hành cửa hàng hiện hữu.
Trong khi đó, Wincommerce – công ty chủ quản hệ thống Winmart, Winmart+ và WIN thông tin, quý 3/2024, trung bình cứ 2 ngày lại khai trương 1 cửa hàng. Vào giữa tháng 8/2024, họ cho biết, hoạt động mở rộng đang được đẩy mạnh trở lại và thậm chí có thể khai trương điểm bán mới mỗi ngày.
Hay Aeon Mall đã đưa cơ sở tại Huế vào hoạt động vào tháng 9/2024, đây là trung tâm thương mại đầu tiên tại miền Trung. Đến ngày 10/1/2025, thương hiệu này tiếp tục khai trương Aeon Mall Xuân Thủy (Hà Nội).
Bên cạnh đó, Aeon Mall mở thêm các siêu thị tổng hợp quy mô nhỏ trong các trung tâm thương mại bên ngoài (không tự mình phát triển) như Crescent Mall, Quận 7 và Parc Mall, Quận 8, TPHCM. Đây là cách để ông lớn bán lẻ đến từ Nhật Bản đa dạng hóa mô hình để tiếp cận thêm khách hàng Việt Nam.
Không chỉ tại thành phố lớn mà thị trường tiêu dùng ở các tỉnh và khu vực ngoại ô cũng đang “thay da đổi thịt”. Central Retail còn tăng độ phủ ở các khu vực ít phát triển về kinh tế hơn thông qua chuỗi siêu thị mini Go!
Theo hướng đó, Tập đoàn Thái Lan Central Retail vừa khai trương Go! tại Bạc Liêu trong tháng 11/2024 và Go! Ninh Thuận đang được hoàn thiện.
Cả 2 tập đoàn nêu trên đều có định hướng phát triển bất động sản để cho thuê thương mại, đi kèm với việc đặt các siêu thị cùng tên (Aeon và Go!) bên trong. Lối đi của họ đang mở thêm dư địa cho các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng ở thị trường mới, nhờ tập trung được lưu lượng khách và cung cấp mặt bằng kinh doanh.
Chưa hết, Nhà bán lẻ Thái Lan dự tính đưa vào hoạt động thêm 3 mini Go! tại thị xã Hương Trà, Huế cùng các thị trường huyện ở tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước.
Triển vọng trong năm 2025
Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ phát hành ngày 2/1/2025, Chứng khoán MB (MBS), cho rằng, ngành bán lẻ tiêu dùng còn tiềm năng trong trung và dài hạn nhờ vào thu nhập khả dụng tăng cao, nhu cầu ngày càng tăng đối với lối sống chất lượng cao hơn.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận các mô hình bán lẻ hiện đại – một xu hướng phát triển trong ngành bán lẻ thực phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp các nhà bán lẻ khai thác tiềm năng đáng kể trên thị trường này.
Gần đây, các mô hình bán lẻ hiện đại của các “ông lớn” như Aeon Mall, Go! cũng như các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như Bách hóa Xanh và Wimart+ đã thành công trong việc thu hút một sự chuyển dịch đáng kể từ các mô hình thị trường truyền thống nhờ vào chiến lược bán hàng cạnh tranh và hiệu quả.
MBS cho rằng, sau giai đoạn có lợi nhuận của Bách Hóa Xanh và WinCommerce năm 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để mở rộng mạng lưới cửa hàng và gia tăng phạm vi tiếp cận của các nhà bán lẻ hiện đại lớn khi nhu cầu tiêu dùng có thể tiếp tục phục hồi khả quan, sự lan tỏa từ ngành sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn so với năm 2024, khi xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ.
Hơn nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài lớn cũng đang triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam, điều này làm nổi bật sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam. Dự kiến, trong quý IV/2024 đến 2025, khoảng 8 trung tâm thương mại lớn sẽ đi vào hoạt động.