Traphaco tiến sâu vào chuỗi tân dược chất lượng cao
Năm 2021, Traphaco bắt tay Tập đoàn Daewoong – top 3 doanh nghiệp dược phẩm Hàn quốc để tiếp nhận công nghệ sản xuất của 7 sản phẩm thuộc các nhóm điều trị gan mật, tim mạch và dạ dày. Những sản phẩm này đã được thương mại hóa thành công và liên tục tăng trưởng doanh số theo từng năm.
Ngoài ra, Traphaco còn mạnh tay đầu tư cho R&D phát triển các loại thuốc tương đương sinh học. Tính riêng năm 2024, công ty đã giới thiệu ra thị trường 14 sản phẩm mới. Doanh thu hàng tân dược ghi nhận sự tăng trưởng hai con số, chiếm 40% cơ cấu doanh thu của công ty, trong đó tân dược chất lượng cao tăng trưởng 33%.
- Dây chuyền sản xuất thuốc viên tại nhà máy tân dược Traphaco Hưng Yên. Ảnh: Traphaco
Trên nền tảng thành công ban đầu, giai đoạn hai của dự án hợp tác với Daewoong được Traphaco kích hoạt đầu năm nay đặt mục tiêu chuyển giao công nghệ sản xuất 12 sản phẩm mới, tập trung vào các nhóm thuốc điều trị bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch và rối loạn lipid máu.
Mục tiêu hai bên đặt ra là tiếp nhận và thương mại hóa khoảng 70 sản phẩm trong tổng số 8 giai đoạn.
Chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm, đặc biệt là các dòng thuốc chuyên khoa, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có bằng chứng lâm sàng rõ ràng và đáp ứng tốt các phác đồ điều trị tại bệnh viện được hội đồng quản trị Traphaco khẳng định sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ trúng thầu và thâm nhập sâu hơn vào hệ thống điều trị công, tư, đồng thời có tác động tích cực tới hệ thống phân phối OTC.
Tại Đại hội đồng cổ đông Traphaco 2025 diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội, bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco chia sẻ, công ty mới đây trúng thầu một số gói thầu có giá trị tốt vào các bệnh viện như sản phẩm điều trị tim mạch. Khi sản phẩm đã vào được kênh điều trị, Traphaco có điều kiện thuận lợi để phân phối rộng hơn qua các kênh khác như nhà thuốc, phòng khám…
“Chúng tôi muốn Traphaco trở thành công ty dược phẩm dẫn đầu tại Việt Nam, về doanh thu, lợi nhuận và giá trị”, ông Chung Ji Kwang, Chủ tịch công ty nói thêm.
Cũng tại đại hội, Hội đồng quản trị Traphaco cho biết đã thành lập Ban dự án EU-GMP, chuẩn bị sẵn nguồn lực về tài chính để đầu tư nhà máy EU-GMP mới của Traphaco. Nhà máy mới tập trung vào các dòng sản phẩm tim mạch, huyết áp, tiểu đường, tìm kiếm nhà cung ứng thiết bị, máy móc cho dây chuyền.
Trao đổi với nhà đầu tư bên lề đại hội, ông Kim Dong Hyu, Phó tổng giám đốc Traphaco kỳ vọng, nhà máy EU-GMP sẽ đi vào hoạt động sau 4 năm nữa.
Đây cũng là thời điểm có nhiều sản phẩm chuyển giao công nghệ nhất giữa Traphaco và Daewoong, cổ đông chiến lược Hàn Quốc, để Công ty có danh mục sản phẩm mới đa dạng.
- Dây chuyền sản xuất thuốc viên tại nhà máy tân dược Traphaco Hưng Yên. Ảnh: Traphaco
- Các chuyên gia y tế đầu ngành tọa đàm tại hội thảo khoa học do Traphaco tài trợ.
Phát triển đông dược chất lượng cao
Bên cạnh đầu tư R&D các sản phẩm tân dược chất lượng cao, Traphaco cũng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, làm mới các sản phẩm đông dược, vốn làm nên tên tuổi và vị thế của công ty. Số liệu của công ty cho thấy doanh số mảng đông dược cao cấp tăng tới 49% trong năm qua, góp phần khẳng định xu hướng đề cao chất lượng và hiệu quả của người tiêu dùng.
Không chỉ phát triển và tự chủ nguyên liệu qua vùng trồng dược liệu sạch rộng khắp cả nước, doanh nghiệp còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu thị trường, chăm sóc khách hàng và kiểm nghiệm dược liệu.
Năm 2024, Traphaco đã phối hợp với nhóm tác giả trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp công nghệ đo phổ hồng ngoại (FT-IR) trong kiểm soát chất lượng dược liệu đinh lăng – một trong những dược liệu chiến lược của công ty.
Kết quả, AI có thể phân biệt chính xác các bộ phận dùng của dược liệu đinh lăng, kể cả trong các trường hợp pha trộn phức tạp. “Công cụ hữu hiệu này đã giúp Traphaco nâng cao hiệu quả kiểm soát, đồng thời phòng ngừa gian lận nguyên liệu, đảm bảo chất lượng dược liệu đầu vào, cũng như hiệu quả điều trị của thuốc”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Với các biến động kinh tế trong và ngoài nước, thị trường dược phẩm Việt Nam phát triển ngày càng chọn lọc song vẫn có tiềm năng lớn. Theo báo cáo của IQVIA, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD doanh số vào năm 2026. “Tạo dựng vị thế vững chắc tại Việt Nam bằng cách đổi mới, đề cao hệ giá trị chất lượng, giữ vững thương hiệu công ty và thương hiệu sản phẩm mạnh sẽ là chiến lược Traphaco nhất quán theo đuổi và tập trung thực hiện”, đại diện doanh nghiệp nói thêm.
Thế Đan