Bất chấp những tín hiệu tích cực của chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm 2025, bức tranh hoạt động của nhiều quỹ đầu tư quy mô lớn lại không mấy sáng sủa. Khi các nhà đầu tư cá nhân đang hồ hởi “gồng lãi”, không ít “cá mập” với hàng chục nghìn tỷ đồng trong tay lại đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí ghi nhận hiệu suất dưới xa mức tăng trưởng chung của thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 6 tháng đầu năm với nhiều biến động nhưng nhìn chung vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, tạo ra cơ hội sinh lời cho không ít nhà đầu tư. Chỉ số VNINDEX tại ngày 30/6 là 1.376 điểm, tăng 8,6% so với thời điểm kết thúc năm 2024.
Tuy nhiên, khi nhìn vào báo cáo hoạt động của các quỹ đầu tư, một nghịch lý là nhiều quỹ có quy mô tài sản khổng lồ nhưng hiệu suất đầu tư lại không vượt trội so với thị trường sau khi đã có một năm 2024 tăng trưởng rất cao.
Trong bối cảnh VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng gần 9% từ đầu năm, nhiều quỹ ngoại có giá trị tài sản ròng (NAV) lên đến hàng nghìn tỷ đồng lại chỉ đạt được mức sinh lời khiêm tốn, thậm chí là đi lùi.

Khảo sát tại 10 quỹ nội có quy mô vào loại lớn nhất trong số các quỹ tập trung vào đầu tư cổ phiếu của các công ty quản lý quỹ VinaCapital, Dragon Capital, SSIAM và VCBF cho thấy tính chung cả 10 quỹ hiện đang quản lý khối tài sản ròng lên đến 41.700 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6.
Tổng lợi nhuận tạo ra từ hoạt động đầu tư (bao gồm các khoản đã hiện thực hóa và thay đổi giá trị so với giá mua) chỉ đạt 683 tỷ đồng – tức hiệu suất bình quân chỉ đạt vào khoảng 1,6-1,7%, thấp hơn mức gửi tiết kiệm.
2 quỹ có hiệu suất tốt nhất là DCVFM VN30 ETF và DC DS đều của Dragon Capital, tăng lần lượt là 10,5% và 8,9%.
Có tới 5 quỹ thậm chí vẫn ghi nhận hiệu suất âm trong 6 tháng, bao gồm 3 quỹ của VinaCapital, quỹ VLGF của SSIAM và quỹ VN DIAMOND ETF của DC.
Mặc dù có hiệu suất đầu tư vào loại tốt trong ngành nhưng quỹ DCVFM VN30 ETF cũng là quỹ bị rút ròng nhiều nhất lên đến gần 1.400 tỷ đồng. Quỹ VNDIAMOND ETF cũng bị rút hơn 1.000 tỷ và VESAF rút 156 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, quỹ DC VSF tiếp tục hút được gần 900 tỷ đồng sau khi đã huy động được vài nghìn tỷ trong những tháng cuối năm 2024. Với quy mô NAV đạt 8.800 tỷ đồng, hiện đây là quỹ nội có quy mô lớn thứ 2 và là quỹ đầu tư chủ động có quy mô lớn nhất.