Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một dự án có quy mô đặc biệt lớn, với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD và có thể tạo ra một thị trường xây dựng trị giá lên đến 34 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) mới đây cho biết Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Chính phủ và đánh giá cao yêu cầu phải sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất cho các gói thầu. Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, siêu dự án này sẽ cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều trong khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều trong khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. |
Chủ tịch Hòa Phát tiết lộ rằng trong ba năm gần đây, tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất thép ray, do đó việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát. Ông Long khẳng định Hòa Phát sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của dự án với 4 cam kết:
– Đảm bảo đủ 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.
– Đảm bảo chất lượng quốc tế cho tất cả các chủng loại thép, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu.
– Đảm bảo tiến độ giao hàng theo đúng yêu cầu của dự án.
– Giá cả cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
>>’Bộ ba lợi thế’ sẽ giúp Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) không sợ ‘ế’ hàng trong năm 2025
Hiện tại, Hòa Phát đang khảo sát và đề xuất phương án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép tại Phú Yên, với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng, tương đương dự án Dung Quất 2 (85.000 tỷ đồng). Nhà máy này có khả năng sản xuất các thanh ray dành cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với chiều dài từ 50m-100m, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cho dự án. Với nhà máy này, thay vì vận chuyển qua đường bộ, các thanh ray này sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt, tạo kết nối cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2, khi hoàn thành sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Hòa Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm |
Đối với dự án Dung Quất 2, hiện nay Hòa Phát đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2024. Phân kỳ 2 được lên kế hoạch hoàn thành vào quý IV/2025. Với tổng công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Tập đoàn Hoà Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2024, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào kết quả này là ngành thép và các sản phẩm liên quan, chiếm 85% tổng lợi nhuận, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (không bao gồm sản phẩm ống thép và tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng và thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%; thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn.
>>Bất ngờ khối tài sản của các ‘sếp’ trong HĐQT Hòa Phát (HPG)