
Chiều ngày 15/4, CTCP FPT (mã CK: FPT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Tính đến 14h30, Đại hội cổ đông có hơn 2.000 cổ đông và người được ủy quyền tham dự, đại diện cho 66,77% cổ phần có quyền biểu quyết.
Trong năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,3% so với cùng kỳ 2023.
Lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 9.420 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. FPT dự kiến trả cổ tức năm 2024 là 20% bằng tiền mặt.
FPT đã thực hiện chi trả 10% trong năm 2024 và dự kiến trả 10% còn lại sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2/2025.

Sang năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024 (so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt năm 2025 dự kiến là 20%.
Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhận định đây là một nhiệm vụ rất thách thức. FPT không thể chủ quan, bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, do đó sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Vì vậy, FPT sẽ theo dõi sát sao các diễn biến thực tiễn và tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới để đưa ra những điều chỉnh kịp thời cho kế hoạch kinh doanh khi cần.

Ông Khoa cũng chia sẻ, thứ 5 tuần trước (9/4/2025), doanh nghiệp đã cắt giảm 30% chi phí theo hướng tiết kiệm nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi.
“Chúng tôi tin rằng bằng năng lực công nghệ, FPT sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn,” đại diện doanh nghiệp khẳng định. “Chúng tôi luôn đặt lợi ích FPT lên hàng đầu, hạ thấp cái tôi cá nhân, giữ gìn văn hóa và kỷ luật doanh nghiệp. Đó là chìa khóa giúp FPT duy trì tăng trưởng trong năm 2025.”
Chia sẻ về tình hình Khối Công nghệ, ông Khoa cho biết FPT sẽ mở rộng mô hình AI Factory, hướng đến trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI hàng đầu thế giới.
Doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu từ khách hàng Mỹ nhờ triển khai mô hình nhà máy AI. Việc triển khai AI được xem như “mệnh lệnh” tại FPT.
Nghị quyết 57 của Chính phủ được đánh giá là “bà đỡ” cho khoa học công nghệ, tạo đà hình thành thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về Khối Viễn thông, FPT triển khai các dịch vụ mới, tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng đầu tư vào thị trường Internet vạn vật (IoT). Việc truy cập Internet qua vệ tinh không gây ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại.
Trong năm nay, FPT dự kiến đưa vào vận hành một trung tâm dữ liệu có chất lượng và thiết kế ngang tầm quốc tế, đặt mục tiêu đứng đầu thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Với Khối Giáo dục, hệ thống giáo dục phổ thông và đào tạo nghề tiếp tục được mở rộng cả về quy mô và chiều sâu chất lượng. FPT đang thúc đẩy tiến độ triển khai mô hình “mini school” tại các huyện, xã. Mảng đào tạo nghề ghi nhận sự phát triển tích cực và được các địa phương đón nhận.
Tại Đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần. Cụ thể, FPT dự kiến phát hành tối đa gần 222,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành là 20:3 cho tất cả cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền. Tổng giá trị phát hành dự kiến theo mệnh giá là gần 2.222 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến phát hành sau khi được ĐHCĐ phê duyệt, sau khi hoàn thành tất cả các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động nhưng không muộn hơn quý 3/2025.
FPT trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần cho cán bộ quản lý cấp cao giai đoạn 2026-2030. Đối tượng được mua cổ phần là các cán bộ quản lý cao cấp, trẻ, có năng lực vượt trội và có cam kết lâu dài đóng góp cho FPT và không thuộc thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027. Số lượng cán bộ quản lý thuộc chương trình này không quá 20 người.
Tỷ lệ phát hành trên tổng số cổ phần lưu hành tại thời điểm phát hành hàng năm được tính trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận cổ đông và tỷ lệ sinh lời của cổ đông.