– Tại sao ông chọn nha đam làm sản phẩm khởi nghiệp?
– Tôi tốt nghiệp chuyên ngành chế biến công nghệ thực phẩm ở Đại học Nông lâm TP HCM và từng làm việc tại nhiều doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu nha đam lớn ở Việt Nam. Từ đó, tôi bén duyên với cây nha đam, tích lũy kinh nghiệm và đến năm 2016 thì quyết định khởi nghiệp với Kaizen Foods. Tôi nhận thấy nha đam có nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, dễ trồng và có nhu cầu thị trường lớn. Sẵn có vùng nguyên liệu phù hợp cùng với lợi thế quản trị và công nghệ, nên tôi thấy Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển với loại cây này.
– Lợi thế của công ty là gì, thưa ông?
– Điểm mạnh của chúng tôi nằm ở việc tự chủ trong nghiên cứu và phát triển (R&D). Tại Kaizen Foods, chúng tôi không chỉ là những người sản xuất, mà còn là chủ công nghệ.
Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi không chỉ thiết kế và chế tạo máy móc, mà còn liên tục cải tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất, phù hợp với thực tế sản xuất. Hiện tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất của chúng tôi, từ rửa lá, gọt vỏ, cắt hạt lựu, đến xử lý nhớt nhựa, nấu chín, chiết syrup, thanh trùng và đóng gói, mỗi công đoạn đều có sự hỗ trợ từ một đến vài thiết bị máy móc.
Lấy ví dụ như ở khâu gọt vỏ, máy gọt vỏ giúp tiết kiệm 5 lao động so với gọt thủ công, hay máy chiết rót tiết kiệm thêm khoảng 10 lao động nữa.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu 3 dây chuyền sản xuất chính gồm dây chuyền chế biến nha đam ngâm nước đường, dây chuyền đóng ly, và dây chuyền đóng chai PET. Các dây chuyền được thiết kế linh hoạt với 3 quy cách đóng gói: túi PE, ly, và chai PET, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Việc làm chủ công nghệ giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
– Việc chủ động nghiên cứu và phát triển sản phẩm giúp công ty có thành quả ra sao?
– Thành tựu đáng tự hào nhất của chúng tôi là phát triển thành công công nghệ độc quyền giữ được độ giòn của hạt nha đam. Công nghệ này giúp giữ nguyên cấu trúc tự nhiên của nha đam, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
Đây không chỉ là một cải tiến đơn thuần, mà là một bước đột phá quan trọng, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Chúng tôi không chỉ làm chủ công nghệ, mà còn liên tục đổi mới để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt. Các sản phẩm của Kaizen Foods cho tới nay đã đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao như ISO 2000, ISO 2018, và tiêu chuẩn cơ sở.
– Quy mô sản xuất của đơn vị hiện nay như thế nào?
– Công ty hiện cung cấp hơn 50 sản phẩm đa dạng được chế biến từ nha đam và các loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Sản phẩm chính của Kaizen Foods gồm: nha đam dạng nguyên liệu, bì nha đam ngâm đường dùng ăn liền hoặc kết hợp với sữa chua, sản phẩm đóng chai và ly. Ngoài ra, công ty còn có nha đam thạch dừa, trái cây ngâm đường, cốt trái cây và mứt trái cây dùng cho pha chế và làm bánh, bột trái cây pha chế hòa tan, nước giải khát nha đam có thạch dừa, kem và sữa chua…
Về năng lực sản xuất, nhà máy của chúng tôi được thiết kế với công suất 300 tấn/tháng. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn mở rộng thị trường, hiện tại chúng tôi mới khai thác được khoảng 50% công suất, tương đương 150 tấn một tháng. Chúng tôi đang tích cực triển khai các chiến lược để tăng công suất sản xuất.
Công ty đang triển khai đề tài nghiên cứu “Ứng dụng khoa học và công nghệ hoàn thiện quy trình sản xuất nước ép nha đam”. Dự án này không chỉ nhằm cải tiến quy trình sản xuất nước ép nha đam đóng chai mà còn hướng tới việc xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu chai đặc trưng. Đây là bước đi chiến lược, giúp công ty đa dạng hóa sản phẩm và bảo vệ tài sản trí tuệ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
– Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam theo đuổi chiến lược xanh – bền vững. Xu hướng này thể hiện tại Kaizen Foods như thế nào?
– Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình kinh tế tuần hoàn, biến “rác” thành “vàng” bằng cách tận dụng phế phẩm từ cơm nha đam – phần còn lại sau khi chiết xuất gel để nuôi trồng các loài động vật có giá trị kinh tế như: cá rô đầu vuông, cá trê, sâu canxi và trùn quế. Hiện mỗi tháng, Kaizen Foods tạo ra khoảng 100-150 tấn cơm nha đam, một lượng phế phẩm đáng kể.
Mô hình không chỉ giúp chúng tôi giảm thiểu chất thải, mà còn tạo ra một hệ sinh thái sản xuất khép kín và thân thiện với môi trường. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch lớn của chúng tôi. Mục tiêu cuối cùng là sẽ chuyển giao và nhân rộng mô hình, mang lại lợi ích kép về môi trường và kinh tế cho cộng đồng nông dân.
Chúng tôi áp dụng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn, được gọi là 3F: Feed – Farm – Food.
Mô hình này bao gồm ba giai đoạn chính. Đầu tiên, Kaizen cung cấp giống nha đam chất lượng cao cùng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp cho nông dân để đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng.
Công ty sử dụng giống nha đam Thái Lan có thời gian trồng ngắn, năng suất cao, không để lại mùi hôi sau chế biến, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cuối cùng. Tiếp đến là xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ với nông dân tại các vùng nguyên liệu trọng điểm như Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Riêng tại Bình Định, Kaizen Foods đã xây dựng được vùng nhiên liệu rộng gần 20 ha. Trong mô hình này, công ty hỗ trợ kỹ thuật thông qua các chương trình đào tạo và tư vấn trực tiếp, giúp nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, đồng thời thực hiện chính sách bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân cũng như nguồn nguyên liệu chất lượng cho công ty. Hiện nông dân tham gia mô hình có thu nhập ổn định với mức từ 3-4 triệu đồng mỗi sào một tháng.
Giai đoạn cuối cùng là sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến để sản xuất các sản phẩm từ nha đam và trái cây có chất lượng cao. Áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế trong quá trình sản xuất. Phát triển đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ nguyên liệu pha chế đến các sản phẩm tiêu dùng trực tiếp.
– Kế hoạch của công ty thời gian tới thế nào thưa ông?
– Tầm nhìn của chúng tôi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Chúng tôi đang mở rộng vùng nguyên liệu sang Lào và hướng tới xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Sản phẩm của Kaizen Foods đã có mặt tại Malaysia và Trung Đông, nhưng chúng tôi không dừng lại ở đó. Chúng tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhà nước về vốn và quỹ đất để phát triển sản xuất bài bản hơn, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.
– Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp?
– Tôi muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ, đặc biệt là những bạn đi làm ăn xa có cơ hội trở về địa phương lập nghiệp. Nông nghiệp đang là xu thế, đem lại giá trị bền vững và là tiềm lực chính của tỉnh. Hãy sẵn sàng học hỏi, đổi mới và áp dụng công nghệ vào sản xuất. Kaizen Foods luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng thương hiệu.
Thảo Chi