spot_img
33.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpCEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở...

CEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở vị trí 'vàng'

Dù các cửa hàng của Nón Sơn nằm ở vị trí đắc địa, tiền mặt bằng cao, khách mua tại cửa hàng không nhiều nhưng doanh thu vẫn đảm bảo duy trì những cửa hàng này.

Trước dịch COVID-19, Nón Sơn có khoảng 250 cửa hàng nhưng đến nay, hệ thống này chỉ còn khoảng 184 cửa hàng. Trong đó, TP.HCM có 56 cửa hàng, Hà Nội có 10 cửa hàng, còn lại là các tỉnh thành khác.

Dù vậy, hình ảnh các cửa hàng Nón Sơn chiếm lĩnh các vị trí đắc địa ở TP.HCM và Hà Nội vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi về bí mật kinh doanh, chốt địa điểm vàng của doanh nghiệp này nhiều năm qua.

Bí quyết cắm chốt vị trí ‘vàng’

Chúng tôi đặt câu hỏi, “các cửa hàng của Nón Sơn luôn nằm ở vị trí đắc địa nhưng người mua trực tiếp ở cửa hàng không nhiều, tuy nhiên các điểm kinh doanh này vẫn tồn tại suốt nhiều năm, vậy bí quyết kinh doanh là gì?”.

CEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở vị trí 'vàng'- Ảnh 1.

Dù mặt bằng của Nón Sơn thường nằm ở vị trí đắc địa nhưng doanh thu vẫn đủ để công ty này trang trải. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Nguyễn Ngọc Tý, CEO Nón Sơn trả lời, người mua trực tiếp tại cửa hàng Nón Sơn không nhiều nhưng tệp khách hàng lại rất chất lượng. Khách vào Nón Sơn mua hàng thường là khách hàng có thu nhập tốt, họ sẵn sàng chi 10 triệu đồng để mua một chiếc nón.

Bên cạnh đó, những sản phẩm giá từ 3-5 triệu đồng cũng được khách rất quan tâm. Do đó, mỗi ngày, cửa hàng Nón Sơn chỉ cần bán vài sản phẩm như vậy là đã đảm bảo doanh thu để trang trải chi phí. Bên cạnh việc bán cho khách mua trực tiếp thì mỗi cửa hàng đều phải nỗ lực kinh doanh online để gia tăng doanh thu.

Cũng theo CEO Nón Sơn, dù sở hữu nhiều mặt bằng có vị trí đẹp nhưng giá thuê những mặt bằng này lại không quá đắt đỏ do diện tích mặt bằng thường nhỏ. Giá thuê chỉ dao động từ 10 triệu đồng/tháng đến vài chục triệu đồng/tháng.

Do đó, việc đảm bảo doanh thu để duy trì những mặt bằng này không quá khó khăn. Chính vì vậy, dù nhiều doanh nghiệp phải đứng trước làn sóng trả mặt bằng nhưng Nón Sơn vẫn cầm cự được nhờ những chiến lược như thế. Việc marketing bằng những địa điểm sầm uất, mặt bằng đắc địa vẫn còn hiệu quả.

CEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở vị trí 'vàng'- Ảnh 2.

Nón Sơn – thương hiệu quen thuộc của người Việt. (Ảnh: Đại Việt)

Ngoài cửa hàng vật lý thì doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, Tiktok. Bên cạnh đó, Nón Sơn cũng là đối tác cung cấp nón cho nhiều đơn vị lớn trong ngành ngân hàng, điện, dầu khí, hàng tiêu dùng… Có những đơn hàng rất lớn, việc sản xuất phải kéo dài cả năm mới trả hết đơn hàng.

Ông Tý nhấn mạnh, doanh thu của Nón Sơn chỉ đang trong giai đoạn hồi phục. Doanh thu năm 2024 chỉ bằng 60% của năm 2019 – giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19. Giải pháp gia tăng doanh thu của doanh nghiệp chính là tiên phong về mẫu mã, chất lượng hàng đầu, giá cả phù hợp và phát triển công nghệ trong sản xuất.

Không có đối thủ chính

Vậy Nón Sơn đang ở đâu so với những đối thủ chính của mình?

“Trên thị trường nón thời trang của Việt Nam, Nón Sơn không có đối thủ chính, bởi chỉ có Nón Sơn tập trung sản xuất nón suốt gần 30 năm qua và dẫn đầu thị trường ngách này “, ông Tý bình luận.

Ngược dòng quá khứ, CEO Nón Sơn cho biết, trong thời kỳ đầu sản xuất nón, doanh nghiệp này chủ yếu làm nón vải để phục vụ cho phái nữ. Sau đó, mới mở rộng sang các sản phẩm dành cho nam giới.

Năm 2007, quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cũng chính thức được thực thi. Thị trường nón thời trang trầm lắng, doanh số của Nón Sơn sụt giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp đứng bên “bờ vực”. Trong bối cảnh đó, Nón Sơn quyết định sản xuất nón bảo hiểm, cung cấp ra thị trường cả hai sản phẩm là nón thời trang và nón bảo hiểm. Đây có thể xem là hướng đi thành công.

“Từ năm 2007 đến nay, thế giới đã trải qua 2 cuộc suy thoái kinh tế lớn và đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, ngành sản xuất nón vẫn chưa hoàn toàn khỏe mạnh”, ông Tý nói thêm.

CEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở vị trí 'vàng'- Ảnh 3.

Những chiếc nón có giá 10 triệu đồng đang được bán tại Nón Sơn. (Ảnh: Đại Việt)

Theo ông Tý, đỉnh điểm của khó khăn chính là đại dịch COVID-19. Việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại đã khiến Nón Sơn lao đao, bởi doanh nghiệp vẫn phải “gồng” lãi ngân hàng và duy trì đời sống cho hàng trăm lao động. Sau COVID-19, thị trường kinh doanh nón từ “màu đỏ” dần chuyển qua màu vàng và hiện tại là màu xám – bước đà để chuyển sang màu xanh.

CEO Nón Sơn bật mí bí quyết cắm chốt kinh doanh ở vị trí 'vàng'- Ảnh 4.

ceo non son.pngCEO Nón Sơn

Ông Tý đánh giá, cuộc xung đột Nga – Ukraine hay các chính sách thuế quan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nón. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ tập trung ổn định chất lượng hàng hóa, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là những tiêu chí quan trọng hàng đầu mà công ty hướng đến.

Nón Sơn vẫn chủ yếu kinh doanh trong thị trường nội địa và chưa xuất khẩu. Tuy nhiên, các sản phẩm của Nón Sơn vẫn được Việt kiều và các thương nhân mua về bán ở nước ngoài.

CEO Nón Sơn cho biết, việc cạnh tranh trên thị trường nón thời trang của Việt Nam cũng được phân tầng rất rõ rệt. Có 2 phân khúc cạnh tranh được chia ra đó là cao cấp và bình dân.

Ở phân khúc bình dân, các sản phẩm nón thường có chất lượng hoàn thiện thấp, nguyên liệu sử dụng là nguyên liệu giá rẻ. Chính vì thế, sản phẩm nón bán ra thị trường thường ở mức dưới 150.000 đồng/sản phẩm. Đối với phân khúc cao cấp, các sản phẩm nón được làm từ nguyên liệu tốt, an toàn cho người sử dụng và chất lượng hoàn thiện cao nên kéo theo giá thành cũng cao hơn. Sản phẩm nón cao cấp thường dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/sản phẩm trở lên.

Nón Sơn không sản xuất những loại nón fullface (trùm kín mặt) nên không va vào những “ông lớn” sản xuất nón bảo hiểm khác. Thay vào đó, Nón Sơn chỉ tập trung sản xuất và kinh doanh mặt hàng nón bảo hiểm phổ thông, che nửa đầu với mức giá từ hơn 300.000 đồng/sản phẩm trở lên. Những khách hàng yêu thích sản phẩm nón bảo hiểm có thiết kế trẻ trung, dễ đội của Nón Sơn vẫn ủng hộ đều đặn suốt thời gian dài.

Bên cạnh việc sử dụng máy móc, doanh nghiệp cũng sử dụng các nghệ nhân giỏi để thực hiện các sản phẩm thủ công, chất lượng tinh xảo. Các sản phẩm này đều mang tính cá nhân hóa cao và giá bán cũng lên tới cả chục triệu đồng/sản phẩm. Mỗi nghệ nhân có thể mất 1-2 tuần để làm một chiếc nón thủ công, mang tính độc bản.

Năm 1996, ông Trần Anh Sơn – nhà sáng lập thương hiệu Nón Sơn cùng vợ vào TP.HCM du lịch. Thời điểm đó, TP.HCM nắng nóng, hai vợ chồng đi khắp chợ Bến Thành nhưng không tìm được chiếc nón (mũ) vừa ý. Trong chợ chủ yếu là nón “bình dân”, chất lượng trung bình. Ông Sơn quyết định thành lập Nón Sơn để kinh doanh nón cao cấp phục vụ người tiêu dùng.

Giai đoạn đầu, ông Sơn chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu, mở cửa hàng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, vợ ông Sơn chịu trách nhiệm nhập nón hàng hiệu từ Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… về kinh doanh, phân phối. Đến năm 1998, Nón Sơn có xưởng sản xuất đầu tiên đặt tại đường Trà Khúc, quận Tân Bình.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật