Gia nhập Việt Nam từ năm 2016, Shopee hiện tại đang đứng đầu trong ”tứ hoàng” Thương mại Điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Theo báo cáo thị trường quý II/2024 từ Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI. Shopee tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. TikTok Shop theo sau với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22% thị phần. Cùng nhau, Shopee và TikTok Shop chiếm tới 93,4% thị phần, tăng so với mức 91,25% trong quý I/2024. Đáng chú ý, chỉ riêng Shopee đã mở rộng thị phần trong quý này, trong khi các đối thủ như Lazada và Tiki đều thu hẹp. Cụ thể, Lazada chỉ còn chiếm 5,9% thị phần, còn Tiki chỉ đạt 0,7%.
Thời gian gần đây, các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ đang ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam như Temu, Taobao, 1688. Đặc biệt là cơn sốt Temu khi nền tảng này đẩy mạnh quảng cáo, tung ra những ưu đãi hấp dẫn cho người mua cũng như trả hoa hồng tiếp thị liên kết cao ”chưa từng có”.
Trong bối cảnh đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, đã chia sẻ về những thách thức Shopee đang đối mặt trước sự xuất hiện của các đối thủ quốc tế như Temu và SheinÔng Trần Tuấn Anh. Ông Tuấn Anh thừa nhận: “Sự hiện diện của họ khiến chúng tôi phải chú ý, nhất là khi họ đầu tư mạnh vào quảng cáo trên mọi nền tảng. Tại Mỹ, Shein và Temu đã từng chiếm hơn 20% doanh thu quảng cáo của Facebook. Ở Việt Nam, mở lên là thấy Temu”.
Dù vậy, ông Tuấn Anh bày tỏ sự tự tin khi so sánh với các đối thủ xuyên biên giới về khả năng vận hành tại thị trường nội địa: “Shopee có lợi thế khi giao hàng nhanh hơn, còn các nền tảng xuyên biên giới thường mất từ 7 đến 9 ngày. Nếu có vấn đề về sản phẩm, quy trình phản hồi và xử lý của họ vẫn chưa rõ ràng”. Ông nói thêm: “Sự cạnh tranh là cần thiết vì nó cải thiện chất lượng và mang lại thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng cạnh tranh phải công bằng”.
Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam |
>> Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: Cơn sốt Temu ảnh hưởng rất ít đến các nhà sản xuất Việt Nam
Giám đốc Shopee Việt Nam nhấn mạnh rằng Temu và Shein bán sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc, nơi giá sản phẩm chỉ đủ để trang trải chi phí nguyên liệu và nhân công, không bao gồm chi phí khấu hao tài sản hoặc đất đai. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống logistics toàn cầu, giá thành của họ được giảm đáng kể, tạo lợi thế không nhỏ so với các nhà bán hàng địa phương Việt Nam. “Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nhà bán lẻ trong nước mà còn là một chiến lược không bền vững”, ông nhận xét.
Ông Tuấn Anh kêu gọi sự công bằng từ các nhà quản lý. “Chúng tôi đã đầu tư vào thị trường Việt Nam gần 10 năm và luôn tuân thủ các quy định. Chúng tôi hy vọng được áp dụng các quy định công bằng về thuế, quản lý dữ liệu và giao nhận hàng”.
Theo ông, tình trạng “bảo hộ ngược” dường như đang xảy ra khi các nền tảng trong nước phải nộp thuế, tuân thủ quy định quản lý dữ liệu cá nhân, trong khi các nền tảng xuyên biên giới không có đại diện pháp lý tại Việt Nam có thể tránh được một số quy định này. “Nếu mọi nền tảng đều hoạt động trong cùng một khuôn khổ, cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự phát triển. Ngược lại, nó giống như chúng tôi chơi bóng đá mà đối thủ được phép dùng tay”.
Với TikTok Shop – một nền tảng mới nổi trong thị trường thương mại điện tử với xu hướng mua sắm giải trí, ông Tuấn Anh cho rằng Shopee luôn sẵn sàng thích nghi. “Mua sắm qua livestream và video là xu hướng mới chỉ nổi lên 3-4 năm gần đây. Đáp ứng nhu cầu này là cần thiết, và Shopee đang cung cấp trải nghiệm này để người tiêu dùng có thêm lựa chọn”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Shopee đang tập trung vào những yếu tố cốt lõi như sản phẩm đa dạng, giá cả hợp lý, quy trình vận hành và trải nghiệm mua sắm. “Người tiêu dùng có thể khám phá sản phẩm ở nhiều nền tảng khác, nhưng khi quyết định mua sắm, họ thường chọn Shopee vì yếu tố đa dạng và giá cả cạnh tranh”.
Đối diện với nhận định cho rằng sản phẩm trên Shopee có giá rẻ nhưng chất lượng kém, ông Tuấn Anh cho biết Shopee cam kết mang đến các sản phẩm ở mức giá hợp lý nhất trong một khung chất lượng nhất định. Ông cũng khẳng định Shopee Mall, chuyên về các sản phẩm chính hãng từ Apple, Samsung, Unilever, L’Oréal, đang phát triển nhanh chóng với doanh số lớn.
Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, Shopee cho phép hoàn trả sản phẩm trong 15 ngày mà không mất phí, đồng thời cung cấp dịch vụ đồng kiểm dù chi phí cho trải nghiệm này không nhỏ.
Với một số nhà bán hàng than phiền về chi phí sàn và quảng cáo tăng cao, ông Tuấn Anh giải thích rằng Shopee đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ qua khuyến mãi, tiếp thị và tăng lượt truy cập để giảm bớt gánh nặng cho họ. Ông nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh khốc liệt sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra các thương hiệu mới trong một thị trường bền vững.
Đồng thời, việc Shopee đầu tư nâng cao trải nghiệm người dùng, điều này đôi khi gây bất bình cho một số nhà bán hàng vì cho rằng người mua được ưu ái hơn. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, “Shopee không thể tồn tại nếu không có người bán. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ họ và lắng nghe ý kiến.”
Ông giải thích thêm, các thay đổi chủ yếu nhằm giúp người mua cảm thấy an tâm hơn khi mua sắm, từ đó thúc đẩy doanh số cho người bán. Ví dụ, trước đây người bán có thể trễ hoặc hủy đơn, nhưng khi lên sàn, họ phải đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn. Điều này tạo nên trải nghiệm mua sắm tích cực và khuyến khích khách hàng quay lại.
“Thực tế, nhiều người bán lớn hoan nghênh các cải tiến này, vì sau một thời gian, họ thấy doanh số tăng lên nhờ chính sách mới”, ông nói.
Ông Tuấn Anh khuyến khích các nhà bán hàng Việt Nam tăng cường nhận diện thương hiệu và áp dụng công nghệ mới để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ quốc tế. Theo ông, các doanh nghiệp Việt có lợi thế khi hiểu rõ thị trường nội địa và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nhanh chóng.
“Về bản chất một đơn vị đánh diện rộng toàn cầu (như Temu) thì họ không sâu sát từng quốc gia được, chưa kể từng vùng miền trong quốc gia đó. Nếu mình tự tin thì đó cũng là cách để trụ trên sân nhà.Ngành này khốc liệt chính vì nó còn nhiều tiềm năng, nếu không chẳng ai muốn tranh giành”, vị CEO của Shopee Việt Nam nhận định.