Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch CT Group – ông Trần Kim Chung – nhận định rằng, chúng ta đang sống trong một thời khắc đẹp của lịch sử, không chỉ là bước ngoặt của cuộc cách mạng 4.0 mà còn là thời điểm đặc biệt đối với quốc gia, khi đất nước bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Trước những sự thay đổi lớn này, ông cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước “3 cơn sóng thần” lớn trên toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh thường nhật.
– Thứ nhất là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của AI. Có thể nói, AI xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, AI có thể xuất hiện từ lũy tre làng cho đến văn phòng, cho đến mọi nơi, khi mà đằng sau TikTok là AI, đằng sau Facebook cũng là AI. Sự len lỏi này đã chi phối tất cả các hoạt động hàng ngày của con người.
– Thứ hai là chúng ta đối mặt với những áp lực mới về phát triển bền vững và các xu thế toàn cầu. Đồng thời, chúng ta phải thực hiện những nhiệm vụ kép vừa chuyển đổi xanh và vừa phát triển tăng trưởng. Đây là một nhiệm vụ rất khó, rất hiếm quốc gia nào có một nhiệm vụ kép là vừa chuyển đổi xanh mà lại vừa phải tăng trưởng cao.
– Thứ ba là chúng ta đối mặt với những thay đổi lớn lao về địa chính trị, về việc phát triển. Những gì Tổng thống Trump đang làm ngày nay luôn luôn đặt chúng ta trước những bất ngờ rất lớn. Những tình huống bất ngờ sẽ luôn luôn xảy ra và chúng ta phải quản trị nó.
![]() |
Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch CT Group. Ảnh: Internet |
Dưới tác động của những chuyển biến mang tính toàn cầu ấy, việc định hình chiến lược phát triển cho từng khu vực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính trong bối cảnh đó, ngày 13/7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân trẻ đến từ Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Tuyên Quang và Lạng Sơn.
Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp khu vực miền núi phản ánh khó khăn thực tế, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm đưa “Bộ tứ Nghị quyết” vào cuộc sống.
“Bộ tứ Nghị quyết” bao gồm Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (cải cách pháp luật) và Nghị quyết 68 (phát triển kinh tế tư nhân) – được đánh giá là kim chỉ nam cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt tại các vùng khó khăn.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nam – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn – nhấn mạnh: “Chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển”. Theo ông, Nghị quyết 57 đã được địa phương cụ thể hóa qua các giải pháp thực tiễn như truy xuất nguồn gốc sản phẩm (miến dong, trà bí xanh) và đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Văn Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội cho rằng Nghị quyết 68 là một bước ngoặt lịch sử, khi đặt mục tiêu cụ thể về tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP, ngân sách và việc làm.
Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh: “Rào cản lớn nhất không nằm ở văn bản, mà ở thực thi”. Cụ thể, ba lực cản được chỉ ra là: Thể chế chưa đồng bộ giữa trung ương và địa phương; chuỗi phân phối lớn chiếm lĩnh thị trường trong nước; doanh nghiệp nhỏ thiếu năng lực tham gia chuỗi cung ứng.