spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpChủ tịch KIDO Trần Kim Thành: Ngành thiết yếu là ngành mà...

Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành: Ngành thiết yếu là ngành mà dù có thiên tai hay khủng hoảng đều không bị ảnh hưởng nhiều

KIDO đặt mục tiêu đạt doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và 148% so với năm 2023.

Việc ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO (KDC), bất ngờ xuất hiện tại Đại hội cổ đông được tổ chức ngày 19/6/2024 sau 5 năm vắng bóng đã gây ngạc nhiên cho nhiều cổ đông. Vị doanh nhân này đã có những chia sẻ với cổ đông về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Thành cho biết, quyết định chuyển hướng kinh doanh của KIDO được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông cho rằng ngành hàng thiết yếu là lĩnh vực có khả năng tồn tại bền vững, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt như thiên tai, bệnh dịch hay khủng hoảng tài chính.

“Theo quan điểm của tôi, ngành thiết yếu là ngành mà dù có thiên tai, bệnh dịch hay khủng hoảng tài chính, thậm chí chiến tranh đều không bị ảnh hưởng nhiều. Ví dụ như mảng thực phẩm thiết yếu, dù có thất nghiệp thì chúng ta cũng phải ăn cơm, trong dịch bệnh càng phải ăn uống đầy đủ để bồi bổ sức khỏe. Vậy nên, KIDO đã đầu tư vào ngành cơ bản là kem, dầu ăn và giờ là gia vị” ông Thành chia sẻ.

Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành: Ngành thiết yếu là ngành mà dù có thiên tai hay khủng hoảng đều không bị ảnh hưởng nhiều
Chủ tịch HĐQT KIDO Trần Kim Thành. Ảnh: KDC

>> Kido (KDC) dùng hơn 22 triệu cổ phiếu quỹ trị giá 865 tỷ đồng chia cho cổ đông

Chủ tịch KIDO cũng cho biết, hiện tại hai mảng kinh doanh chính của công ty là kem và dầu ăn đã hoạt động ổn định, đạt được vị thế nhất định trên thị trường chung. Năm 2023, thị phần ngành kem của KIDO tăng từ 44,5% lên 46,7%, với các thương hiệu Merino và Celano chiếm lần lượt 25,9% và 19,6% thị phần. Trong ngành dầu ăn, các thương hiệu như Tường An, Marvela và Olita đã giúp KIDO giữ vững vị thế thứ hai trên thị trường.

Đồng thời, ông Thành cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai của người tiêu dùng. KIDO không chỉ chú trọng vào các sản phẩm đã thành công trong quá khứ, mà còn liên tục cải tiến và đổi mới để duy trì và phát triển thị phần.

Chủ tịch của KIDO cho biết: “Chúng tôi luôn phải chuẩn bị cho những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, từ sản phẩm hiện tại đến sản phẩm của tương lai”.

>> Bất ngờ với thù lao và lương thưởng của các ‘sếp’ Kido (KDC)

Trong những năm gần đây, KIDO đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ngày càng cạnh tranh. Công ty đã phải tăng cường nỗ lực bán hàng, mở rộng kênh phân phối đến các vùng sâu, vùng xa và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động nội bộ. “Chúng tôi đã phải tận dụng tối đa nội lực của mình và đi xa hơn để bán hàng. Mọi nhân viên đều phải tăng cường công việc để duy trì hoạt động của công ty,” ông Thành chia sẻ.

Năm 2024, KIDO đặt mục tiêu đạt doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và 148% so với năm 2023. Công ty cũng đẩy mạnh dịch vụ gia công (OEM) và phân phối cho các thương hiệu nước ngoài trong mảng bánh kẹo. Ông Thành cũng kỳ vọng vào hệ thống 12.000 cửa hàng miniBao bán bánh bao và dimsum Thọ Phát, dự kiến mang về doanh thu 20.000 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng ngành hàng thiết yếu. KIDO đã lựa chọn các sản phẩm như nước mắm và hạt nêm để thâm nhập thị trường gia vị. Công ty cũng nhảy vào ngành hàng bánh bao khi thâu tóm Thọ Phát, với kế hoạch mở rộng hệ thống miniBao lên 12.000 cửa hàng trên toàn quốc.

>> Kido (KDC) lên kế hoạch lãi trước thuế cao nhất 8 năm

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây