Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán DSC (DSC) đã đưa ra các nhận định về triển vọng của VNDirect (VND) nhưng không đưa ra mức định giá cụ thể. Theo đánh giá của DSC, VNDirect đang đối mặt với nguy cơ đánh mất thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán. Đến hết quý III/2024, thị phần môi giới trên sàn HoSE của VNDirect giảm còn 5,7%, tụt xuống vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng, đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
“Trong ngắn hạn, thị phần của VNDirect khó có thể phục hồi mạnh mẽ”, DSC nhận định. Dù vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường môi giới, VNDirect đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mạnh hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động liên tục. Để cải thiện hiệu quả hoạt động và mở rộng thị phần, VNDirect đã tập trung đẩy mạnh kênh môi giới trực tuyến, tuy nhiên, cần thêm thời gian để thấy được tác động tích cực từ chiến lược này.
Về tình hình kinh doanh, VNDirect ghi nhận kết quả quý III/2024 với doanh thu đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, giảm 22%. Nguyên nhân chính là do công ty chịu tác động kép từ biến động thị trường chứng khoán cũng như dư âm từ một sự cố lớn hồi tháng 3.
Một điểm đáng chú ý khác là dư nợ cho vay của VNDirect trong quý III/2024 gần như không tăng trưởng, đạt 10.900 tỷ đồng, tương đương mức cùng kỳ năm 2023. DSC đánh giá tăng trưởng dư nợ cho vay ảm đạm này cũng là hệ quả của việc VNDirect đánh mất thị phần môi giới.
>>Danh mục tự doanh gần 30.000 tỷ đồng của VNDirect (VND) đang sở hữu những cổ phiếu nào?
Trong bối cảnh nhiều mảng kinh doanh khá ảm đạm, VNDirect tiếp tục mở rộng danh mục tự doanh với giá trị tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng trong quý III, tập trung vào giải ngân trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VND gần đây liên tục biến động mạnh sau khi Tập đoàn Trung Nam công bố báo cáo tài chính năm 2023 với khoản lỗ lớn và nợ phải trả tăng cao. Cụ thể, Trung Nam ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế 2.878 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 lãi 252 tỷ đồng và năm 2021 lãi 1.635 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Trung Nam tăng lên 2,68 lần, tương đương khoản nợ khoảng 65.097 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm 18.218 tỷ đồng.
Trong lịch sử, VNDirect thường có sự “nhạy cảm” nhất định với các thông tin tài chính từ Trung Nam, bởi công ty này đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của Trung Nam.
>>Áp lực nợ ngắn hạn 21.700 tỷ đồng: Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của VNDirect (VND)?