Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần quán cà phê, trà sữa, đồ ăn vặt và cửa hàng thức ăn nhanh đều đang sử dụng ly, hộp nhựa để phục vụ các loại đồ uống, đồ ăn mang đi. Ly, hộp, muỗng, nĩa dùng một lần được sử dụng rộng rãi bởi tính tiện dụng, giá thành rẻ, nhờ đó tiết giảm chi phí kinh doanh.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của dịch vụ giao đồ ăn qua các ứng dụng như GrabFood, BeFood và ShopeeFood, nhu cầu sử dụng ly nhựa càng tăng mạnh. Để bảo đảm đồ uống không bị đổ khi giao đến tay khách hàng, ly nhựa sẽ có nắp đậy và được cố định bằng quai xách, túi ni-lông. Hay như một suất cơm, bún, phở… mang đi sẽ thải ra ít nhất 3-4 loại rác, bao gồm hộp đựng đồ ăn, hộp nhỏ đựng nước chấm, túi ni-lông, muỗng, nĩa… Điều này khiến áp lực về rác thải nhựa càng gia tăng.
Đáng nói, một số cửa hàng hoặc chuỗi cửa hàng, nhất là cửa hàng tự phục vụ, vẫn sử dụng ly nhựa đối với cả khách hàng dùng món tại chỗ bởi giúp giảm bớt nhân công phục vụ, lau rửa.
Hình ảnh những chiếc ly nhựa bị vứt bỏ trên vỉa hè, bãi cỏ công cộng, bãi biển hay trên các dòng sông không còn xa lạ. Hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa còn hạn chế khiến ly nhựa sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi, tích tụ trong môi trường tự nhiên và gây ra ô nhiễm nhựa nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới mới đây, tỉ lệ phát sinh chất thải của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030.
Rác thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải lơ lửng thu gom được tại các tuyến đường thủy thuộc nghiên cứu – khoảng 94% về số lượng và khoảng 71% về trọng lượng. Trong đó, rác thải liên quan đến thực phẩm mang đi là nguồn chất thải nhựa xuất hiện nhiều nhất – chiếm 44% về số lượng và 35% về trọng lượng.
Trước đó, báo cáo về tình hình rác thải nhựa năm 2022 của một tổ chức khác nêu rõ tại lưu vực các sông chính ở Việt Nam đã xác định được 10 loại nhựa phổ biến, bao gồm túi ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn, mảnh nhựa mềm, bao bì thực phẩm, dây nhựa đóng hàng, mảnh nhựa cứng, bao bì khác bằng nhựa, ngư cụ… Thành phần chất thải nhựa dùng một lần thường lớn hơn các loại chất thải nhựa khác, cao nhất là ở TP Cần Thơ (25 mảnh/0,3 m³), tiếp đến là tỉnh Lào Cai (23 mảnh/0,3 m³) và TP HCM (22 mảnh/0,3 m³).