Trong báo cáo danh mục khuyến nghị tháng 1/2025, Chứng khoán Agriseco (AGR) nhận định thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch đầu năm 2025 chưa có sự khởi sắc rõ nét. Tỷ giá trong nước tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên tâm lý chung trong khi Ngân hàng Nhà nước đã bán ra USD để hỗ trợ thị trường ngoại hối. VN-Index chưa thể thoát khỏi cản tâm lý 1.280 điểm và dần lùi xuống hỗ trợ sâu hơn để tìm lực cầu mới tham gia.
Tuy nhiên, Agriseco cho rằng các nhịp điều chỉnh là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục và giải ngân tích lũy các vị thế trung hạn ngay trước thềm công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Do đó, trong danh mục khuyến nghị tháng 1/2025, AGR tập trung lựa chọn cổ phiếu thuộc 3 nhóm ngành có triển vọng tích cực trong năm 2025, bao gồm:
Ngành Ngân hàng:
AGR dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 14 – 15% trong năm 2025 với động lực đến từ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn. Phân khúc bán lẻ được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng cá nhân, đặc biệt cho vay mua nhà ở đã có dấu hiệu hồi phục khả quan trong quý III/2024. Phân khúc bán buôn tiếp tục duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu tích cực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục.
Biên lãi ròng (NIM) kỳ vọng được cải thiện tích cực hơn trong năm 2025 nhờ chi phí vốn thấp (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA có xu hướng hồi phục) và chênh lệch mức giảm của tỷ suất sinh lời nhỏ hơn so với mức giảm của chi phí vốn. Tiềm năng mở rộng tỷ lệ NIM tập trung ở nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, có chất lượng tài sản tốt.
Chất lượng tài sản toàn ngành có xu hướng cải thiện theo đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả chính sách nối tiếp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn. AGR kỳ vọng nợ xấu toàn ngành đã đạt đỉnh trong quý III/2024 khi các thông tin vĩ mô tiêu cực đã được phản ánh và dự báo xu hướng giảm vào quý II/2025 (nợ xấu phân khúc tiêu dùng cá nhân và bất động sản đã giảm trong quý III/2024). Ngoài ra, phần lớn các ngân hàng sẽ tập trung củng cố bộ đệm dự phòng trong năm 2025, gia tăng tỷ lệ LLR trên mức 90%, cao hơn nhiều so với mức LLR bình quân ngành năm 2024 là 75-85%.
Cổ phiếu tiềm năng: VCB (giá mục tiêu 105.000 đồng/cp), CTG (41.000 đồng/cp), MBB (24.000 đồng/cp), TCB (26.000 đồng/cp).
Ngành Bất động sản:
AGR dự báo ngành Bất động sản sẽ hồi phục trong năm 2025: Doanh thu ước tăng 5% svck, lợi nhuận tăng trưởng 18% svck nhờ: (1) nhu cầu bất động sản để ở bao gồm ở thực và đầu tư sẽ tiếp tục tăng ở các phân khúc nhà vừa túi tiền, căn hộ cao tầng và dần cải thiện ở các phân khúc đất nền, nhà thấp tầng có đầy đủ pháp lý, giá bán dự án dự kiến tăng; (2) nguồn cung gia tăng ở phân khúc căn hộ, nhà thấp tầng (biệt thự liền kề, nhà liền thổ) tại các dự án khu đô thị trong bối cảnh các dự án trọng điểm được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh ra mắt các dự án bất động sản mới; (3) các yếu tố vĩ mô thuận lợi (lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thể chế/pháp lý đang được triển khai) giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch.
Kết quả kinh doanh phân hóa: các doanh nghiệp quỹ đất lớn, đang có các dự án mở bán tại trung tâm và ven trung tâm với tỷ lệ hấp thụ khả quan sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao. Doanh số bán hàng chưa ghi nhận đang gia tăng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp khi thị trường hồi phục. Đối với các doanh nghiệp môi giới bất động sản, triển vọng kinh doanh có thể sẽ khôi phục dần nhờ giao dịch trên thị trường bất động sản có tín hiệu tăng nhẹ, số lượng môi giới bất động sản tăng trở lại.
Bên cạnh đó, định giá nhóm cổ phiếu bất động sản thấp so với bình quân quá khứ, thích hợp để đầu tư nắm giữ cho chu kỳ mới.
Cổ phiếu tiềm năng: NLG (giá mục tiêu 37.000 đồng/cp), KDH (38.000 đồng/cp), VHM (45.000 đồng/cp)
Ngành Công nghệ:
Triển vọng dự báo duy trì tích cực trong năm 2025: Agriseco ước tính doanh thu và lợi nhuận duy trì tăng trưởng 2 chữ số dựa trên các yếu tố: (1) xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số như Nhật và APAC, phục hồi như Mỹ và EU. Nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng 16% trong 3 năm tới, thúc đẩy bởi các xu hướng công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Cloud; (2) công nghệ thông tin trong nước phục hồi cùng với xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và các doanh nghiệp ngày càng gia tăng; (3) nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G đang được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong vài năm tới sẽ gia tăng tỷ lệ sử dụng Internet, giúp tăng doanh thu lĩnh vực viễn thông.
Việt Nam có các cơ hội để phát triển ngành công nghệ thông tin và thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao tại các lĩnh vực AI, chất bán dẫn, chips trong dài hạn nhờ các yếu tố: (1) cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, mạng 5G thương mại hóa, trung tâm dữ liệu đẩy mạnh triển khai; (2) Việt Nam đẩy mạnh hợp tác xây dựng trung tâm nghiên cứu AI và nhà máy AI với Nvidia, quy mô kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo có thể tăng lên 90 – 200 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng bình quân 16 – 30%/năm; (3) sự hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào phát triển hạ tầng số, chất bán dẫn, AI và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Cổ phiếu tiềm năng: FPT (giá mục tiêu 160.000 đồng/cp)