spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpCùng 'đem chuông đi đánh xứ người': FPT báo lãi cao kỷ...

Cùng ‘đem chuông đi đánh xứ người’: FPT báo lãi cao kỷ lục, Viettel Global tăng trưởng 11 quý liên tiếp

Sau hàng chục năm bước chân ra thế giới, cả FPT và Viettel đều đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên thị trường quốc tế.

Trong làn sóng các doanh nghiệp Việt vươn mình ra thế giới, FPT và Viettel Global (VGI) đã nổi lên như những “ông lớn” tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông.

Sau hàng chục năm “đem chuông đi đánh xứ người”, cả 2 doanh nghiệp này đều đạt được những thành tựu đáng tự hào trên thị trường quốc tế.

FPT báo lãi quý cao kỷ lục, doanh số ký mới cán mốc 1 tỷ USD

Thành lập năm 1998 bởi Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp công nghệ – viễn thông tại Việt Nam.

Năm 2005, FPT chính thức đánh dấu ‘bước chân’ đầu tiên vươn mình ra thị trường quốc tế với việc trở thành công ty Công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam thành lập pháp nhân tại Nhật Bản. Chỉ một năm sau, FPT tiếp tục ghi dấu ấn khi giành được hợp đồng phần mềm trị giá 6,5 triệu USD cho tập đoàn Petronas tại Malaysia.

Sau hơn 35 năm hình thành và phát triển, FPT đã hiện diện tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với doanh thu hàng tỷ USD.

Theo báo cáo kinh doanh quý III/2024, FPT đạt doanh thu thuần 15.972 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.478 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao nhất theo quý trong lịch sử doanh nghiệp.

Về cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 28,6%, đạt 22.668 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ.

Các thị trường trọng điểm của FPT đều giữ vững đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại Nhật Bản và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng lần lượt đạt 30,4% và 36,6%. Đáng chú ý, doanh thu ký mới của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài trong 9 tháng đầu năm đã đạt mốc 1 tỷ USD (tương đương 25.121 tỷ đồng), tăng 20,1% so với cùng kỳ.

>>’Gã khổng lồ’ công nghệ Việt Nam xoay chuyển chiến lược, kỳ vọng thắng lớn ở thị trường quốc tế

Kể từ năm 2015 đến nay, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục tăng trưởng từ 20-30%/năm.

Cùng 'đem chuông đi đánh xứ người': FPT báo lãi cao kỷ lục, Viettel Global tăng trưởng 11 quý liên tiếp
Nguồn: Tổng hợp

Trong 9 tháng đầu năm 2024, FPT đã giành được 33 dự án lớn (trên 5 triệu USD mỗi dự án), tăng 65% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là bước đệm quan trọng giúp FPT khẳng định vị thế là công ty công nghệ tỷ đô trên toàn cầu. Trước đó, trong năm 2023, FPT lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ CNTT 1 tỷ USD, tương đương 24.288 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 45.241 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.926 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,3% và 21% so với cùng kỳ. Với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.700 tỷ đồng trong năm 2024, FPT đã hoàn thành hơn 73% kế hoạch doanh thu và 80% lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng.

Bên cạnh đó, FPT cũng không ngừng mở rộng mạng lưới quốc tế khi liên tục khai trương các văn phòng mới tại Nhật Bản, Đức, Malaysia,… Tập đoàn đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).

Cùng 'đem chuông đi đánh xứ người': FPT báo lãi cao kỷ lục, Viettel Global tăng trưởng 11 quý liên tiếp
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT

Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình từng tự hào chia sẻ: “Nếu như trước đây FPT luôn phải chủ động tìm kiếm đối tác, thì nay nhiều khách hàng và đối tác lớn đã chủ động tìm đến với FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam, và Việt Nam đang trở thành điểm đến mới, vươn lên vị trí số 2 toàn cầu về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”.

>>’Vua tiền mặt’ FPT mang 27.400 tỷ đi gửi ngân hàng, lãi 9 tháng đạt 6.900 tỷ đồng

Viettel Global – doanh thu tăng trưởng 11 quý liên tiếp, dẫn đầu thị phần tại 7 quốc gia

Bên cạnh FPT, Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa dấu ấn Việt Nam ra thế giới trong mảng công nghệ, viễn thông.

Được thành lập vào năm 2006, Viettel Global là đơn vị của Viettel chuyên mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, nhằm tìm kiếm và khai phá các thị trường tiềm năng.

Sau 18 năm, Viettel Global đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, vận hành 9 công ty viễn thông tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ, phục vụ hơn 220 triệu dân và 65 triệu khách hàng.

Trong quý III/2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần 9.130 tỷ đồng, tăng 25% và đánh dấu quý thứ 11 liên tiếp có sự tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ. Tất cả các thị trường kinh doanh của tập đoàn đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Lumitel tại Burundi tăng 80%, Natcom tại Haiti tăng 28%, Movitel tại Mozambique tăng 21%, và Telemor tại Đông Timor tăng 20%.

Ngoài ra, các công ty ví điện tử của Viettel Global cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng: Lumicash (Burundi) tăng 82%, M_mola (Mozambique) tăng 80%, Halopesa (Tanzania) tăng 45%, và Emoney (Campuchia) tăng 16%.

>>Doanh nghiệp ‘họ’ Viettel báo lãi 9 tháng tăng 343%, vốn hóa vượt 200.000 tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Viettel Global đạt doanh thu 25.724 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.037 tỷ đồng, tăng 162%, và lợi nhuận sau thuế đạt 3.477 tỷ đồng, tăng 343% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng 'đem chuông đi đánh xứ người': FPT báo lãi cao kỷ lục, Viettel Global tăng trưởng 11 quý liên tiếp
Viettel Global ghi nhận quý thứ 11 liên tiếp tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ

Trong tháng 5/2024, Viettel Global đã vươn lên dẫn đầu thị phần tại thị trường thứ 7 là Movitel tại Mozambique. Trong suốt 5 năm qua, doanh thu dịch vụ của Movitel tại Mozambique duy trì mức tăng trưởng trên 20% hàng năm, bất chấp đây được coi là một trong những thị trường khó chinh phục nhất. Nhờ chiến lược phù hợp, Movitel đã trở thành nhà mạng có thị phần lớn nhất tại Mozambique sau 12 năm hoạt động.

Trước đó, Viettel Global cũng ghi dấu ấn tại các thị trường khác với tốc độ chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng. Lumitel tại Burundi đạt vị trí số 1 chỉ sau 6 tháng hoạt động, Telemor tại Đông Timor đạt vị trí số 1 chỉ sau 1 năm, và Metfone tại Campuchia vươn lên dẫn đầu chỉ sau 2 năm.

Trong cuộc gặp gỡ với các giám đốc thị trường của Viettel Global, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “Sự kiên định và thành công của Viettel là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt trên hành trình vươn ra thế giới”.

>>Viettel Global (VGI) trích lập 15.900 tỷ đồng dự phòng cho nợ xấu, đối tượng ‘khó đòi’ là ai?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật