spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp'Đại bàng' liên tục đổ bộ đầu tư, Quảng Ninh tham vọng...

‘Đại bàng’ liên tục đổ bộ đầu tư, Quảng Ninh tham vọng hút 10 tỷ USD vốn FDI

Hiện nay, Quảng Ninh có 188 dự án FDI từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, tổng vốn FDI đăng ký của tỉnh Quảng Ninh đạt 8,43 tỷ USD, vượt 281% kế hoạch toàn giai đoạn; vốn FDI thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, tương đương 134,5% kế hoạch.

Từ năm 2019, tỉnh đã tiếp đón khoảng 130 đoàn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, bao gồm các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và doanh nghiệp lớn như Foxconn, Lite-on, Coremax, Boltun (Đài Loan), Linko Solar (Hồng Kông), TCL, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Xiamen Sunrise (Trung Quốc), Mitsubishi, Sojitz (Nhật Bản), Daewoo E&C, Samsung Engineering (Hàn Quốc), Autoliv (Thụy Điển), Maersk (Đan Mạch)…

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu về thu hút vốn FDI giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, địa phương này dự kiến sẽ thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký, gần gấp đôi so với giai đoạn từ 2020 trở về trước.

Quảng Ninh luôn coi trọng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên những dự án đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển bền vững như du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp chế tạo giá trị cao như cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thiết bị nông nghiệp, đóng tàu… Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp điện, điện tử và vật liệu mới.

>> Tỉnh sắp đón thêm thành phố thứ 5 sẽ có khu đô thị sân golf hơn 530ha

'Đại bàng' liên tục đổ bộ đầu tư, Quảng Ninh tham vọng hút 10 tỷ USD vốn FDI
Quảng Ninh đặt mục tiêu hút 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong năm 2025

Cùng với các ngành công nghiệp chủ đạo, Quảng Ninh khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hữu cơ, bền vững, nhằm nâng cao năng lực ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Tỉnh kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu, đảm bảo gắn liền với yêu cầu quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Quảng Ninh đang tích cực hoàn thiện thể chế và chính sách cho các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT), nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tỉnh có 5 KKT với diện tích 375.17ha, bao gồm 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh đã quy hoạch thêm 8 KCN, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 23 KCN với tổng diện tích khoảng 18.842ha. Các khu vực ưu tiên bao gồm Quảng Yên, Hải Hà, Hạ Long và Móng Cái, nơi có hạ tầng giao thông hiện đại, thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics.

Đặc biệt, KKT ven biển Quảng Yên, gần các tuyến cao tốc quan trọng và có kết nối trực tiếp với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á, được xác định là điểm thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao.

Theo kế hoạch phát triển, vốn đăng ký FDI của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 2,5-3 tỷ USD và giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ tiên tiến đạt trên 50%, và tăng lên 100% vào năm 2030; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87,5% vào năm 2025 và trên 90% vào năm 2030.

Hiện nay, Quảng Ninh có 188 dự án FDI từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD. Các dự án này chủ yếu tập trung vào KCN, tạo ra khoảng 40.600 việc làm, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật