Trên website của Tập đoàn Sao Mai (ASM) thông tin, vào chiều 11/7, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, cùng lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sao Mai nhằm trao đổi về các đề xuất đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy sản, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Tập đoàn Sao Mai (thành lập năm 1997), hoạt động đa ngành như: Bất động sản, điện mặt trời, thủy sản…Hiện Tập đoàn Sao Mai đã nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án Nhà máy điện gió V1-1 giai đoạn 2 và Nhà máy điện gió số 3 (vị trí V3-8) tại thị xã Duyên Hải.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng sáng lập và phát triển Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ rằng qua việc tìm hiểu các lĩnh vực kêu gọi đầu tư và chính sách hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh, Sao Mai mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương này. Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ cử đoàn công tác đến nghiên cứu và khảo sát một số lĩnh vực tiềm năng tại Trà Vinh và hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ngành của tỉnh. Ông Thuấn nhấn mạnh, Sao Mai sẽ phấn đấu trở thành nhà đầu tư chiến lược của Trà Vinh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã giới thiệu các dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư, đồng thời gợi ý một số dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nhà hàng – khách sạn phù hợp với định hướng đầu tư của Tập đoàn Sao Mai. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn hoan nghênh tinh thần và thiện chí của tập đoàn. Ông cung cấp thêm thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng giao thông và những tiềm năng, lợi thế nổi bật của Trà Vinh. Ông cho biết, Trà Vinh được định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cũng tập trung phát triển kinh tế biển với các nhóm ngành như công nghiệp biển và ven biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản, du lịch biển.
Trà Vinh có thế mạnh lớn về tôm nhưng chưa được đầu tư vào nhà máy chế biến tôm có công suất lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Các lĩnh vực nhà ở, du lịch, nhà hàng – khách sạn của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng và cần được đầu tư một cách bài bản và quy mô hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn rất mong muốn có cơ hội hợp tác với Tập đoàn Sao Mai để cùng phát triển trong tương lai. Ông giao các sở, ngành liên quan làm đầu mối gắn kết và giữ liên hệ để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và đánh giá cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Hiện tại, Tập đoàn Sao Mai chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong quý đầu năm, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thuấn ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.548,5 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu gồm: doanh thu thức ăn cá gần 831 tỷ đồng, doanh thu thương mại 798,5 tỷ đồng, doanh thu điện năng lượng mặt trời 207 tỷ đòng, doanh thu cá xuất khẩu 657 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ 47,5 tỷ đồng…
Lãi sau thuế của ASM đạt 75,6 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại ngày 30/3/2024, tổng tài sản của ASM đạt 20.294 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trữ tiền ở mức 1.810 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 13,4% lên 4.687,4 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức hơn 2.000 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 2.345 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của ASM giảm nhẹ xuống 12.386 tỷ đồng. Tổng nợ vay ở mức gần 10.700 tỷ đồng (chiếm gần 53% tổng tài sản) trong đó vay nợ ngắn hạn ở mức 6.336 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 4.359 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 7.908 tỷ đồng.
Năm 2024, Sao Mai đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 14.222 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Sao Mai, ông Lê Thanh Thuấn dù đã nhường vị trí Tổng Giám đốc cho con trai ông là Lê Tuấn Anh nhưng hiện vẫn giữ Chủ tịch Hội đồng sáng lập và phát triển Tập đoàn Sao Mai. Đại gia quê xứ Thanh này là linh hồn của Tập đoàn Sao Mai. Sau hơn 20 năm chèo lái, đưa ASM từ doanh nghiệp nhỏ bé đến Tập đoàn đa ngành. Thị trường Tài chính sẽ giới thiệu chân dung đại gia Lê Thanh Thuấn và khối tài sản “đáng mơ ước” của ông Thuấn ở bài sau.
>> Cổ đông ASM, IDI sắp nhận cổ tức 2 năm liên tiếp