Cơ hội lớn tại ‘xứ sở hoa anh đào’
“Nước Nhật đang có sự thay đổi lớn về công nghệ. Nhiều hệ thống cũ đã hoạt động 20-30 năm, giờ bắt buộc phải thay đổi. Đây là cơ hội lớn của các doanh nghiệp IT Việt Nam”, ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghệ thông tin Việt – Nhật (VJC) thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ với PV. VietNamNet.
Ông Lương cho biết, từ năm 2004-2005, doanh nghiệp IT Việt Nam đã bắt đầu chinh phục thị trường Nhật; trong đó, FPT là công ty đầu tiên sang Nhật mở chi nhánh.
Khoảng 4-5 năm trước, nhiều tổ chức/doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó vì không gánh được chi phí quá cao khi hợp tác với các công ty hàng đầu của nước này trong việc xây dựng và triển khai các hệ thống IT.
Nhận thấy doanh nghiệp IT Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu với mức chi phí hợp lý hơn, các tổ chức/doanh nghiệp Nhật đặt quan hệ đối tác trực tiếp với doanh nghiệp IT Việt Nam.
Đến nay, trong bối cảnh Nhật “khát” kỹ sư công nghệ thông tin, khoảng 40-50 doanh nghiệp IT Việt đã có chi nhánh tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp IT Việt Nam không chỉ tập trung hoạt động ở những đô thị trung tâm như Tokyo, Osaka… mà còn có mặt ở cả tỉnh lẻ.
Nhiều doanh nghiệp Việt quy mô tương đương công ty tầng 2 của Nhật (tầng 1 là những công ty cỡ trên 10.000 người, tầng 2 khoảng vài nghìn người), sức cạnh tranh rất mạnh.
Ông Lương cho hay, tháng 10 năm ngoái, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Bảo hộ an toàn kinh tế, tới tháng 5 năm nay, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về những lĩnh vực, ngành nghề không được đưa ra nước ngoài, bắt buộc phải làm tại Nhật để đảm bảo an ninh quốc phòng. Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn tối ưu nhất khi các tổ chức/doanh nghiệp Nhật muốn tìm kiếm đối tác tin cậy.
Các doanh nghiệp IT Việt đã có đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội Nhật Bản. Suốt 20 năm qua, doanh thu của các doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật tăng trưởng 10-20% mỗi năm.
Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt đem lại lợi ích đáng kể cho tiến trình chuyển đổi số của Nhật. Rất nhiều hệ thống IT lớn trong đa dạng lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, y tế, giáo dục,… đều có dấu ấn của các kỹ sư IT Việt Nam.
Nhiều kỹ sư IT Việt có lợi thế đọc/học trực tiếp bằng tiếng Anh về công nghệ mới, trong khi không ít kỹ sư IT Nhật phải đợi dịch tài liệu về công nghệ sang tiếng Nhật nên chậm trễ hơn một chút trong việc cập nhật thông tin, kiến thức.
Nhóm các công ty Trung Quốc làm với Nhật cũng đối mặt với một số hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới, bởi không còn nhiều người giỏi nữa. Phần lớn tầng lớp tinh hoa về IT của Trung Quốc bỏ qua thị trường Nhật, chọn đầu quân vào những nơi hấp dẫn hơn, chẳng hạn như Taobao, Alibaba, Tencent…
Trong khi đó, ông Lương đánh giá, sự nhiệt tình và chất lượng của đội ngũ nhân sự chất lượng cao làm cho giá trị doanh nghiệp IT Việt ngày càng tăng lên trong mắt người Nhật.
Chuyện lạ có thật: Thuê người Nhật rẻ hơn thuê người Việt
“Chuyện mở văn phòng ở Nhật thật ra không phải vấn đề lớn đối với doanh nghiệp IT Việt, bởi Chính phủ Nhật có rất nhiều chính sách ưu đãi. Bản thân tôi năm 2008 mở Công ty Luvina, hướng sang thị trường Nhật, cũng được JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) hỗ trợ từ những ngày đầu tiên về luật pháp, thủ tục hành chính… Thậm chí, họ giúp chúng tôi thuê văn phòng tại Nhật với giá rất rẻ”, ông Lương kể.
Tuy nhiên, khoảng 4-5 năm gần đây, đồng Yên giảm giá 30-40%. Mức lương như trước không còn hấp dẫn nữa. Vì thế, đang xuất hiện “làn sóng” từ Nhật trở về Việt Nam. Để người Việt đi Nhật nay cần chi phí cao hơn.
“Đang xảy ra chuyện lạ có thật: Cùng một trình độ nhưng thuê người Nhật rẻ hơn thuê người Việt. Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật nếu có nền tảng tốt hoàn toàn có thể tuyển dụng người Nhật hoặc người Trung Quốc, chứ không nhất thiết phải là người Việt”, ông Lương phản ánh thực tế khó khăn của việc tuyển dụng lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Theo ông Lương, một trong những điểm yếu của kỹ sư IT Việt là giỏi kỹ thuật nhưng không giỏi về nghiệp vụ kinh doanh.
“Mình có vũ khí là công nghệ nhưng không biết dùng vũ khí đấy để đánh trận. Mình giỏi công nghệ vẫn chỉ là thợ xây thôi. Cần phải thay đổi tư duy, phải biết coi trọng kiến thức nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh, trở thành kiến trúc sư, người thiết kế hệ thống. Lúc đó mình mới có giá trị cao. Một số công ty lớn của Việt Nam bắt đầu ý thức được chuyện đó. Phải thay đổi tư duy thì mới làm tại Nhật lâu dài được”, ông Lương phân tích.
Khả năng sử dụng tiếng Nhật trong giao tiếp cũng là vấn đề doanh nghiệp IT Việt cần quan tâm nghiêm túc. “Đi sang Nhật thì đương nhiên phải biết tiếng Nhật, nhưng nói tiếng Nhật theo kiểu của người nước ngoài ít nhiều cũng có khoảng cách với người Nhật”, ông Lương lưu ý.
Gặp người Việt ở Nhật bây giờ không còn là chuyện hiếm. Nhưng đáng quan ngại là số người Việt vi phạm tại Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp Việt tại Nhật.
“Người Việt ngày xưa sang Nhật toàn là du học sinh, thuộc diện top 1-2 các trường đại học. Bây giờ thành phần rất phức tạp”, ông Lương trăn trở.
Đừng chủ quan trước những đối thủ cạnh tranh mới
“Doanh nghiệp IT Việt nào sang Nhật cũng có thể đạt hiệu quả vì thị trường này đang rất cần mình. Cơ hội thị trường rất lớn, từ ‘thượng vàng’ tới ‘hạ cám’. Vấn đề chính bây giờ là năng lực. Doanh nghiệp IT Việt cần đầu tư vào ngoại ngữ và nghiệp vụ kinh doanh để tăng khả năng tiếp cận, thuyết phục khách hàng Nhật Bản”, ông Lương chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ thông tin bất ngờ: Trước kia, đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp IT Việt tại Nhật chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc.
Thế nhưng, gần đây nhiều công ty Mỹ, châu Âu… sau khi nhận thấy Nhật Bản là thị trường tiềm năng, bắt đầu nhảy vào và hoạt động khá tích cực. Doanh nghiệp IT Việt cần cẩn thận, đây chính là những đối thủ mới rất đáng gờm.
“Khi hỏi một số khách hàng lớn ở Nhật, họ bảo đã biết về những thách thức mới đó. Giờ đây, đối thủ cạnh tranh của các công ty Nhật Bản không chỉ là mấy doanh nghiệp Việt Nam, mà la cả các ‘ông lớn’ toàn cầu”, ông Lương nói.
Các công ty Mỹ, châu Âu có quy mô lên tới vài chục nghìn người, hoạt động khắp năm châu, rất mạnh về khoa học kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, ông Lương cho rằng các “ông lớn” này không dễ dàng chấp nhận văn hóa Nhật Bản, sẽ yêu cầu người Nhật phải làm theo cách của họ; còn người Nhật trong vai khách hàng cũng nhất định không chịu.
Do đó, các công ty đến từ Mỹ, châu Âu sẽ kém lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp IT Việt về sự gần gũi văn hóa và lối sống của người Nhật, cũng như sự thích ứng linh hoạt. Dù vậy, chúng ta cũng phải thấy rằng đối thủ cạnh tranh sẽ nhiều hơn, không được chủ quan vì chỉ cần sơ sảy một chút sẽ mất thị trường, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghệ thông tin Việt – Nhật lưu ý.
“Khá nhiều doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật Bản hiện vẫn phải núp sau một ‘ông lớn’ của Nhật, hoạt động kinh doanh với tư cách nhà thầu phụ. Ước mơ của tôi cũng như của các doanh nghiệp khác là doanh nghiệp IT Việt sẽ làm đối tác trực tiếp của doanh nghiệp IT Nhật. Đó là mục tiêu cần sớm hiện thực hóa”, ông Lê Quang Lương bày tỏ.
“VINASA có hơn 600 hội viên, trong đó, 20% đang giao dịch với khách hàng Nhật Bản. Sức mạnh công nghệ, tuổi trẻ và sự nhiệt tình của doanh nghiệp IT Việt Nam là nguồn lực quan trọng, cần thiết cho các tổ chức/doanh nghiệp Nhật Bản trên hành trình chuyển đổi số. Liên minh các công ty IT Việt làm việc tại Nhật đã hình thành, nhiều nhóm hoạt động tự phát. Có thể trong năm nay, VINASA – VJC sẽ bàn bạc, ra đời tổ chức của những doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật dưới “màu cờ sắc áo” của VINASA, khi đó hoạt động sẽ “danh chính ngôn thuận” hơn. VJC, VINASA là cầu nối để kết nối giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp IT hai nước Việt – Nhật. Tháng 7 tới, dự kiến lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đi cùng VINASA tới Nhật, giúp các doanh nghiệp IT Việt tìm kiếm, tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai”, ông Lê Quang Lương cho biết. |