Mong muốn này được ông Trần Côi, Giám đốc điều hành Công ty FPT Czech và Slovakia nêu tại sự kiện Thủ tướng tiếp 10 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu tại Czech, ngày 19/1.
Đơn vị này đang tham gia vào các dự án công nghệ cao tại Czech, như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, chuyển đổi số, robotics và tự động hóa, dịch vụ phần mềm hoạch định doanh nghiệp (SAP).
Tuy nhiên, FPT hiện gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao người Việt vào làm việc trong các dự án quan trọng ở Czech và Slovakia, do phía Czech chưa cấp giấy phép làm việc theo dạng chuyên gia (thẻ xanh EU) cho người lao động Việt Nam.
Bởi vậy, ông Côi mong muốn Chính phủ Việt Nam đàm phán với Chính phủ Czech xem xét lại điều kiện nhập cư vào quốc gia này cho trường hợp chuyên gia có tay nghề cao từ Việt Nam.
Đến cuối năm 2023, lao động Việt Nam có mặt tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, phần lớn vẫn làm các công việc phổ thông, không yêu cầu đến trình độ tay nghề cao. Nhiều nước cũng chưa mở cửa chính sách thị thực với chuyên gia, lao động tay nghề cao từ Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam tại Czech hiện có khoảng 100.000 người. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ ba tại Czech và cũng là cộng đồng người Việt Nam lớn thứ ba ở châu Âu.
Theo ông Nguyễn Thái Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu giai đoạn khó khăn đầu những năm 1990, các doanh nghiệp Việt tại Czech xuất phát điểm 5 “không” – không vốn liếng, kiến thức bài bản về kinh doanh, sự hỗ trợ từ cơ chế, vị trí pháp lý chắc chắn và kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, với sự nhạy bén cùng chính sách cởi mở của nước sở tại, doanh nghiệp Việt dần khẳng định vị thế vững chắc ở Czech, phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
“Cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại châu Âu mong Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất giá trị gia tăng cao, nhằm bảo đảm sự tăng trưởng bền vững”, ông Ngọc chia sẻ.
Thương mại song phương Việt Nam – Czech tăng nhanh, trung bình gấp đôi sau 5 năm. Năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu hai nước đạt 2,9 tỷ USD và tăng lên 3,3 tỷ USD năm ngoái.
Ông Phạm Công Tú, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty PAMA mong muốn Việt Nam và Czech tăng hợp tác về chuyển giao công nghệ quốc phòng. Ông cũng kiến nghị các cơ quan trong nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Sau những chia sẻ trên, Thủ tướng cho biết ngưỡng mộ và tự hào với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu nói chung, Czech nói riêng.
Theo Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu các ngành nghề theo hướng chú trọng những ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, cũng như đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng an ninh.
Ông khẳng định luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Lãnh đạo Chính phủ cũng mong cộng đồng doanh nghiệp Việt tại châu Âu tiếp tục đồng hành cùng đất nước để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Anh Tú