spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpDoanh nghiệp nội ‘xuất ngoại’ tìm vốn, nhà đầu tư ngoại lại...

Doanh nghiệp nội ‘xuất ngoại’ tìm vốn, nhà đầu tư ngoại lại muốn… ‘nhập nội’

Do quy định niêm yết trên thị trường chứng khoán quá khắt khe nên đã từ lâu doanh nghiệp công nghệ không đặt mục tiêu hoặc có niềm tin rằng sẽ thực hiện được huy động vốn tại thị trường Việt Nam.

Huy động vốn cho công nghệ đang tụt hậu

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital đặt vấn đề, trong 5 năm gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam không có thương vụ IPO quy mô lớn.

Cụ thể từ năm 2019 đến nay, tổng giá trị các thương vụ IPO chỉ dao động từ 15 – 70 triệu USD/năm, trong khi trước đó quy mô IPO hàng năm đạt 500 triệu – 2,6 tỷ USD.

“Không có các thương vụ IPO lớn kể từ năm 2019 thường được các nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn cho lý do ít quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tổng Giám đốc VinaCapital cho biết.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) cũng chỉ ra thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm vừa qua không có IPO công nghệ quy mô lớn.

chung khoan tung doan 1.jpg
Ảnh: Tùng Đoàn

Bà Ngọc Anh phân tích, ngay trong các năm 2017, 2018, 2019 là thời điểm đỉnh cao của IPO tại Việt Nam, trên thị trường cũng không thấy doanh nghiệp công nghệ. Từ năm 2020 đến năm 2025, hoạt động huy động vốn nói chung ở thị trường Việt Nam chỉ tập trung vào 2 ngành: Tài chính và Chăm sóc sức khỏe, mà không chú trọng đến ngành Công nghệ.

“Khi trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế, họ chia sẻ với chúng tôi là sẵn sàng rót vốn cho các công ty công nghệ tiềm năng tại Việt Nam, nhưng vấn đề là chúng tôi không có cái tên nào để đưa ra cho họ”, lãnh đạo SSIAM nhấn mạnh.

Điều đáng nói là trong cùng giai đoạn, các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore và Ấn Độ đã có nhiều công ty công nghệ IPO thành công, giúp mở rộng thị trường vốn và thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Sự tăng tốc của các nước này khiến Việt Nam bị chậm chân dù rất có tiềm năng về phát triển khoa học công nghệ.

“Nhìn riêng vào thị trường huy động vốn tư nhân tại Đông Nam Á, tăng trưởng huy động vốn tư nhân của ngành công nghệ là 11%, thì xu hướng huy động vốn của ngành công nghệ tại Việt Nam lại đang giảm”, bà Ngọc Anh chia sẻ.

Trong tổng số khoảng 1.600 công ty đang được niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn, chỉ có 16 doanh nghiệp công nghệ, chiếm vỏn vẹn… 1%. Liệu có phải doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam không cần vốn? Thực tế không phải như vậy!

Đại diện SSIAM cho hay, khi tìm tới đơn vị này để tư vấn huy động vốn, gần như không có doanh nghiệp công nghệ nào đặt mục tiêu, hoặc có niềm tin rằng sẽ thực hiện được huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam.

Có thể dẫn chứng trường hợp Tiki Global thành lập năm 2021 tại Singapore rồi nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần CTCP Ti Ki, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki tại VIệt Nam. Giữa năm 2020, CEO Tiki từng chia sẻ mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ. Song có lẽ do không thể chờ đợi quy định được nới lỏng, đơn vị này buộc phải “xuất ngoại” để niêm yết và gọi vốn, tạo nguồn lực bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Trước Tiki, khá nhiều startup khác cũng đã có những động thái tương tự khi lập công ty holding ở nước ngoài (thường là Singapore hoặc Hongkong – Trung Quốc) rồi đầu tư ngược lại vào pháp nhân trong nước. Điển hình có thể kể đến như Base, Cốc Cốc, Topica…

Giải toả cơn khát vốn từ chính nguồn lực trong nước

chung khoan tung doan 2.jpg
Ảnh: Tùng Đoàn

Hiện nay trên thị trường chứng khoán đang có 3 sàn: HoSE, HNX và UpCom. Đối với cả 2 sàn HoSE và HNX, đều có những yêu cầu khắt khe liên quan đến lợi nhuận. Cụ thể, theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Nếu căn cứ theo những quy định này thì doanh nghiệp công nghệ rất khó đạt được yêu cầu bởi nhóm này vận hành theo mô hình đặc thù, đòi hỏi lượng vốn lớn ngay từ giai đoạn đầu nhằm đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng người dùng, xây dựng hạ tầng vận hành.

Ông Dương Quốc Anh – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho biết thêm, các doanh nghiệp có thể huy động trên sàn UpCom nhưng quy mô nhỏ và không hút được các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế.

Theo đó, UpCom là một nền tảng mà bất kỳ doanh nghiệp đại chúng nào cũng có thể tham gia, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp đại chúng thông thường và doanh nghiệp công nghệ; không có những tiêu chí đặc biệt để nhà đầu tư có thể xác định rằng đây là một sàn công nghệ và họ sẽ áp dụng những định giá riêng cho sàn này.

Bên cạnh đó, thanh khoản của sàn UpCom rất thấp vì nhiều lý do, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài gần như không hoạt động ở thị trường UpCom. Đối với các doanh nghiệp khi niêm yết trên UpCom, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến định giá, nên thông thường doanh nghiệp công nghệ không muốn lên sàn này.

Ông Dương Quốc Anh lo ngại, do không mặn mà với UpCom, trong khi lại gặp vướng mắc từ các rào cản kỹ thuật khi muốn tiếp cận HoSE hay HNX, nên một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã chuyển hướng đăng ký kinh doanh và IPO tại thị trường nước ngoài, làm thất thoát nguồn lực tài chính của đất nước.

Một chuyên gia tài chính chỉ ra thực tế là quy trình tiến hành IPO rất tốn kém và mất thời gian, đặc biệt đối với các công ty lớn. Chính vì tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với đội ngũ sáng lập, nên khi đã nghĩ tới câu chuyện IPO tức là doanh nghiệp đó đã có sự thăm dò, đánh giá trước về khả năng thu hút vốn từ nhà đầu tư.

“Ngoài ra, cũng vì sự tốn kém về chi phí, thời gian, nên khi đã IPO họ đương nhiên muốn lựa chọn những sàn niêm yết chất lượng để được định giá đúng với tiềm năng phát triển của mình”, vị này cho biết thêm.

Ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia của Quỹ đầu tư Warburg Pincus chia sẻ, quy định chặt chẽ của Luật Chứng khoán thể hiện quan điểm của các nhà làm luật là muốn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và đảm bảo tính lành mạnh cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên hiện nay khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ nước ngoài rất đa dạng.

“Chúng ta nên để cho nhà đầu tư tự đánh giá triển vọng của các thương vụ hợp tác này, thay vì đặt ra rào cản kỹ thuật quá khắt khe để hạn chế đối tượng có thể niêm yết”, đại diện Warburg Pincus khuyến nghị.

Để tháo gỡ “nút thắt”, nhóm chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) kiến nghị xem xét việc bỏ điều kiện không có lỗ lũy kế theo Điều 15 Luật Chứng khoán, đồng thời điều chỉnh các điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) theo hướng linh hoạt hơn, giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt có cơ hội IPO ngay trên sân nhà. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thử nghiệm, đánh giá hiệu quả triển khai và có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính lành mạnh cho thị trường chứng khoán.

>> Thuế thuốc lá tăng cao: Doanh nghiệp nội rơi vào thế khó, lo nguy cơ thuốc lá lậu tràn lan

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật