Tháng 7/2025, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng khi xuất khẩu thành công lô hàng 30.000 tấn phân bón sang Australia – một trong những thị trường có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt nhất thế giới. Đây là bước tiến chiến lược, khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh của phân bón Việt Nam trên trường quốc tế.
Đợt xuất khẩu trọng điểm này được triển khai sau khi PVCFC xuất sắc đạt chứng chỉ Level One vào tháng 3/2025 – cấp độ cao nhất trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu phân bón vô cơ của Australia. Thành tựu này giúp Đạm Cà Mau trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chinh phục thị trường Australia. Nhờ đó, sản phẩm của PVCFC sẽ được miễn kiểm tra tại cảng đến, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí logistics. Urê Cà Mau cũng được xếp vào nhóm đạt chuẩn cao nhất, đủ điều kiện phân phối với giá tốt hơn.
![]() |
Đạm Cà Mau xuất khẩu thành công lô hàng 30.000 tấn phân bón sang Australia |
Trong 7 tháng đầu năm 2025, Đạm Cà Mau cho biết tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 10.541 tỷ đồng, tăng 24% so với kế hoạch và tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.417 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất gần 14.000 tỷ đồng (tương đương năm trước), nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ khoảng 864 tỷ đồng, giảm mạnh so với thực hiện năm 2024.
Với kết quả đạt được sau 7 tháng, Đạm Cà Mau đã hoàn thành khoảng 75% kế hoạch doanh thu và 164% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm.
Mới đây, Đạm Cà Mau công bố kế hoạch mới khi tham gia thị trường chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, cụ thể là sữa hạt và các chế phẩm từ sữa hạt. Ban lãnh đạo lý giải rằng, đây là cơ hội để công ty mở rộng hoạt động kinh doanh, đón đầu xu thế tiêu dùng chuyển dịch mạnh sang các sản phẩm thực vật, có lợi cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau nhấn mạnh: “Chúng tôi không tham gia thị trường sữa truyền thống, mà tập trung vào các loại hạt có thể chế biến thành nước uống, với mục tiêu hình thành chuỗi giá trị chế biến nông sản”. Ông cho biết thêm, Đạm Cà Mau sẽ phát triển vùng nguyên liệu riêng, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp có sẵn để từng bước hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Chuỗi này bao gồm 5 yếu tố then chốt: Tạo vùng trồng, thu hoạch, chế biến sâu, hoạt động marketing và hạ tầng logistics.