Ngày 18/7 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức lễ ký kết Hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm giữa CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) với các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVCHEM).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, cùng sự chỉ đạo sát sao của Petrovietnam, VNPOLY đang tích cực triển khai các bước cần thiết nhằm khởi động lại toàn bộ hoạt động tại Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Trọng tâm là sản xuất xơ polyester (PSF) và sợi tái chế, với mục tiêu tận dụng hiệu quả năng lực sẵn có, đồng thời đóng góp vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước.
![]() |
Toàn cảnh sự kiện. Nguồn: PVN |
>> 10 doanh nghiệp Việt mang sản phẩm đến hội chợ dệt may lớn nhất châu Âu
Ông Trần Huy Thư – Tổng Giám đốc VNPOLY – cho biết, trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của từng bên, các đơn vị đã thống nhất ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm xơ PSF do VNPOLY sản xuất.
VNPOLY sẽ phối hợp cùng VINATEX lựa chọn một đến hai nhà máy thuộc khâu sau để chạy thử nghiệm các quy trình kéo sợi, dệt và nhuộm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi phân phối ra thị trường; cam kết chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng chạy thử nghiệm phù hợp với giá thị trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần hợp tác, nỗ lực giữa các đơn vị hai tập đoàn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, nhu cầu xơ PSF của nước ta khoảng 492.000 tấn/năm, phần lớn phải nhập khẩu.
Trong khi đó sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 20% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, việc nội địa hóa nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam là việc cấp bách, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang áp chính sách thuế quan đối với các sản phẩm dệt may nhập khẩu.
Sự hợp tác giữa VNPOLY và các đơn vị trực thuộc của VINATEX để cùng nâng cao khả năng cạnh tranh của các bên trên thị trường trong nước, cũng như quốc tế.
Chủ tịch HĐQT VINATEX, ông Lê Tiến Trường, thay mặt các doanh nghiệp trong tập đoàn bày tỏ sự trân trọng trước sự quan tâm, hợp tác của Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong suốt thời gian qua.
Ông nhấn mạnh, sự tham gia của 12 doanh nghiệp VINATEX tại lễ ký kết xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác thực chất và lâu dài. Theo ông Trường, nhu cầu sử dụng xơ PSF tại Việt Nam đang gia tăng mạnh, đồng thời xu hướng sử dụng sợi pha PSF cũng tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp trong tập đoàn rất cần nguồn cung xơ PSF từ VNPOLY để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025, Petrovietnam đã công bố kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 510.000 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 310.000 tỷ đồng – đều tăng so với cùng kỳ năm 2024. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 66.500 tỷ đồng.
Petrovietnam hiện xếp thứ 11 trong Top các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, giữ vững vị trí số 1 Việt Nam. Năm 2024, bất chấp nhiều thách thức toàn cầu, Tập đoàn đã vượt 6–27% các chỉ tiêu kế hoạch, trở thành doanh nghiệp đầu tiên có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách 165.600 tỷ đồng và đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng (tăng 49%).
>> Tập đoàn thời trang lớn thứ hai thế giới đích thân sang Việt Nam để tìm kiếm nhà cung cấp