Ngày 19/11, Báo Giao thông đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đường sắt tốc độ cao – Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”. Sự kiện là dịp để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận, tham vấn về kế hoạch triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một trong những dự án trọng điểm quốc gia.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định rằng, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đủ năng lực và trình độ để đảm nhận thi công dự án về mặt công nghệ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực là một yếu tố cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Ông Hiệp cho biết, với tổng khối lượng xây lắp ước tính hơn 33 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam. Ông nhận định: “Đây không phải dự án quá khó về mặt công nghệ, nhưng tốc độ thiết kế 350km/h đòi hỏi độ chính xác rất cao. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu trong nước phải không ngừng học hỏi, tiếp thu các công nghệ tiên tiến nhất”.
Bên cạnh đó, ông Hiệp đánh giá rằng hệ thống đường sắt tốc độ cao, về cơ bản, vẫn bao gồm các hạng mục cầu, hầm và cầu dây văng. Đây đều là những công trình mà các nhà thầu Việt Nam đã từng thực hiện thành công trong thời gian qua.
>> Cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Ông Nguyễn Quốc Hiệp tại tọa đàm. Ảnh: Báo Giao thông |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng công nghệ không còn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông dẫn chứng về sự tiến bộ vượt bậc trong năng lực thi công các công trình trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng lưu ý về điểm yếu của doanh nghiệp trong nước, đó là tính liên kết và hợp tác còn hạn chế. Ông nhấn mạnh: “Để thắng thầu trong các dự án lớn, doanh nghiệp Việt cần chủ động hợp tác, đầu tư công nghệ đón đầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”.
Bên cạnh công nghệ xây dựng, ông Kiên cho rằng các bài toán về hệ thống cấp điện, thi công đặt ray và vận hành đầu máy, toa xe vẫn cần sự đầu tư nghiêm túc để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của dự án.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận định rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp xây dựng trong nước.
Ông Tuấn Anh chia sẻ, Trường Sơn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia dự án, bao gồm nâng cao trình độ nhân lực, đầu tư trang thiết bị và tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước. Doanh nghiệp này cũng đã hợp tác với các trung tâm đào tạo, cấp chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt và tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các chuyên gia tại tọa đàm đều cho rằng, sự hỗ trợ từ chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia và hoàn thành dự án.
Tọa đàm đã gợi mở nhiều hướng đi tích cực để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, từ đó tạo tiền đề vững chắc để tham gia những dự án lớn trong tương lai.