Tối 16/5, tại lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên của dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3, ông Lê Đức Tuệ, Giám đốc Chi nhánh PVEP POC, cho biết dự án đã đưa dòng dầu vào khai thác sớm hơn kế hoạch 20 ngày.
Ngày khai thác đầu tiên, các giếng khoan thuộc giai đoạn 3 đã cho lưu lượng 6.000 thùng dầu mỗi ngày, dự kiến nâng lên 8.000 thùng trong vài tuần tới và đạt 18.000 thùng mỗi ngày vào cuối năm nay.
Với sản lượng này, riêng giai đoạn 3 dự kiến đóng góp thêm 2,5 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho PVN và khoảng 450 triệu USD vào ngân sách Nhà nước. Tương lai, doanh thu toàn mỏ sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 3 sẽ đạt khoảng 160.000 tỷ đồng (6,4 tỷ USD) đến năm 2034, đóng góp thêm khoảng 76 triệu thùng dầu vào tổng sản lượng khai thác của PVN.
Tính đến hết năm 2024, doanh thu toàn mỏ Đại Hùng đạt trên 4 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 600 triệu USD. Sản lượng khai thác bình quân hàng năm của toàn mỏ này khoảng 2,6-2,8 triệu thùng dầu.
- Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 đã đưa vào khai thác. Ảnh: PVN
Giàn dầu giếng WHP-DH01 của giai đoạn 3 được lắp đặt ở độ sâu hơn 110 m, kết nối với giàn xử lý trung tâm FPU qua hệ thống ống mềm dài 5,2 km. Các mốc kỹ thuật quan trọng như khởi công, hạ thủy chân đế, lắp đặt ngoài biển, đón dòng dầu kỹ thuật và thương mại đều được thực hiện đúng và vượt tiến độ.
Dự án Đại Hùng không chỉ là một thành tựu kỹ thuật, mà còn là câu chuyện vượt khó của ngành dầu khí Việt Nam. Năm 2003, Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam, PVN) tiếp nhận mỏ này từ tổ hợp nhà thầu quốc tế với giá trị sổ sách chỉ 1 USD, trong bối cảnh nhiều chuyên gia đánh giá mỏ không hiệu quả. Trước thách thức đó, PVEP cùng đơn vị điều hành đã từng bước đưa mỏ Đại Hùng quay lại khai thác từ năm 2005, dù có thời điểm giá dầu chỉ trên 10 USD mỗi thùng.
Những năm sau đó, mỏ liên tục được đầu tư mở rộng, phát triển, từ thành công của giai đoạn 1 vào năm 2011 đến việc hoàn thành hệ thống thu gom khí vào năm 2015. Tháng 6/2022, Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 3, tạo tiền đề cho bước phát triển hiện nay.
- Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 đã đưa vào khai thác. Ảnh: PVN
- Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (đứng giữa) cùng lãnh đạo PVN tại lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên ở TP HCM. Ảnh: PVN
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá, việc đưa dòng dầu đầu tiên từ dự án phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 vào khai thác sớm so với tiến độ là kết quả của quá trình làm chủ công nghệ và sản xuất sau khi tiếp nhận lại dự án từ nhà đầu tư nước ngoài. Dự án được triển khai hoàn toàn bởi các đơn vị trong nước, khẳng định năng lực và sự chủ động của PVEP, PVN và các đối tác liên quan.
Ông đánh giá cao đóng góp của ngành dầu khí trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay, hướng tới tăng trưởng hai con số từ 2026 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV PVN – cho hay đã có thời điểm dự án đứng trước nguy cơ đóng cửa vào năm 2020 khi giá dầu giảm mạnh, trong khi chi phí khai thác lên đến 57 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó, PVN đã đưa dự án từ giá trị 1 USD trở thành công trình trị giá hơn 4 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, PVN đang triển khai dự án Đại Hùng Nam, kỳ vọng đưa vào khai thác cuối năm 2026. Khi đó, sản lượng toàn mỏ có thể đạt gần 30.000 thùng dầu mỗi ngày, tiến tới mục tiêu đưa Đại Hùng trở thành top 3 mỏ dầu có sản lượng lớn nhất Việt Nam.
Thi Hà