Theo tờ Bloomberg, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng đàm phán về việc tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí qua lãnh thổ Ukraine sau khi hợp đồng của Kiev với tập đoàn Nga Gazprom hết hiệu lực vào cuối năm 2024.
Bất chấp cuộc xung đột Nga-Ukraine, tập đoàn Gazprom vẫn tiếp tục tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng vận chuyển với tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine, cung cấp khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Áo và Slovakia.
Các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu và nhiều chi tiết cần được giải quyết. EU muốn mua khí đốt Nga từ Azerbaijan và được vận chuyển thông qua cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Ông Alexey Chernyshov – Giám đốc điều hành của Naftogaz, nói với Bloomberg: “Chúng tôi đang quyết tâm tìm được giải pháp tiếp tục duy trì đường ống vận chuyển khí đốt của Ukraine vì đây là tài sản lớn và sẽ thua lỗ nếu không được sử dụng”.
Ukraine muốn duy trì nguồn thu từ việc vận chuyển khí đốt, lên tới 1 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, ông Chernyshov đã loại trừ khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với tập đoàn Gazprom của Nga.
Đường ống riêng của Azerbaijan tới EU đã hoạt động hết công suất và chính quyền Baku không có quyền truy cập trực tiếp vào mạng lưới của Kiev. Một thỏa thuận tiềm năng có thể giống như một cuộc hoán đổi, với Nga cung cấp khí đốt Azerbaijan cho EU, trong khi Baku gửi khí đốt của Moscow đi nơi khác, cho phép EU duy trì lệnh cấm vận thương mại đối với Nga.
Chính quyền Baku và Công ty dầu khí nhà nước SOCAR hiện chưa bình luận về thông tin do tờ Bloomberg tiết lộ. Chính quyền Áo cũng từ chối bình luận.
Vào tháng trước, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đề cập đến khả năng dàn xếp thỏa thuận hoán đổi trên sau chuyến thăm Azerbaijan, trước khi ông bị một nhà hoạt động thân Ukraine tấn công.
“Hiện tại, tất cả phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các công ty Gazprom của Nga, Azerbaijan, Ukraine và những công ty khác để thống nhất về các điều khoản về kinh tế và giá cả. Nếu họ làm vậy, Slovakia có thể nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, một phần trong số đó sẽ ở lại Slovakia và một phần sẽ đi qua các nước khác” – Thủ tướng Fico cho biết.
Ủy ban châu Âu kỳ vọng EU có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga bằng cách dựa vào các nhà cung cấp thay thế và thực hiện chương trình nghị sự về khí hậu, bao gồm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Những người quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, quyết định cuối cùng có thể sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, vì thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Trong khi đó, bà Kadri Simson Ủy viên năng lượng châu Âu tuần trước nói với S&P Global Commodity Insights rằng EU đang chuẩn bị hoàn tất các bước cuối cùng cho gói trừng phạt thứ 14 đối với năng lượng của Nga trong tháng này, với các mục tiêu trừng phạt có các chuyến hàng khí thiên nhiên hó a lỏng (LNG) của Nga.
Tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của EU hồi tháng 5 đã cảnh báo rằng việc trừng phạt LNG của Nga có thể tác động tiêu cực đến an ninh khí đốt ở châu Âu.
Các quốc gia thành viên EU vùng Baltic hiện đang kêu gọi EU cấm nhập khẩu LNG của Nga, nhưng ACER tin rằng động thái này chỉ nên thực hiện dần dần.
“Vì EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét theo từng bước, bắt đầu từ việc nhập khẩu LNG giao ngay của Nga” – ACER cho biết trong báo cáo “Diễn biến thị trường LNG châu Âu” công bố hôm 27/5.
Theo tờ Politico, việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với LNG là một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của EU. Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra hạn chế nào với khí tự nhiên hóa lỏng.
EU hiện là khu vực nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Các quốc gia thành viên EU đã nhập khẩu 134 tỷ mét khối LNG trong năm 2023, chiếm 42% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
Cánh hữu thắng thế ở Nghị viện châu Âu, thế giới liệu có ‘hỗn loạn’?