Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
EVN bất ngờ báo lãi lớn 8.200 tỷ đồng sau khoản lỗ hơn 26.700 tỷ đồng năm 2023
Báo cáo gây bất ngờ với mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.237 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với mức lỗ hơn 26.772 tỷ đồng của năm trước đó.
Cụ thể, doanh thu thuần cả năm 2024 đạt 580.537 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong khi chi phí vốn chỉ tăng 8,9%. Nhờ đó, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 49.588 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm 2023. Dù báo lãi lớn, EVN vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 38.688 tỷ đồng.
Phần lớn lợi nhuận năm 2024 của EVN đến từ việc chi phí vốn giảm mạnh. Theo giải trình, giá vốn điện bao gồm chi phí mua điện từ các nhà máy. Tuy nhiên, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, một số nhà máy điện vẫn chưa đạt được thỏa thuận về giá mua bán điện, đặc biệt liên quan tới các khoản vay ngoại tệ phát sinh chênh lệch tỷ giá thực tế khi thanh toán.
Trong năm, doanh thu tài chính đạt 3.215 tỷ đồng, giảm khoảng 850 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 2.000 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và 1.057 tỷ đồng đến từ lãi chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, EVN còn ghi nhận 127 tỷ đồng cổ tức được chia.
![]() |
Kết quả kinh doanh của EVN |
>> Giá điện tăng, EVN Hà Nội báo lãi 5 tỷ đồng mỗi ngày
EVN đang đi vay nợ 324.000 tỷ đồng
EVN là một trong những doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất thị trường. Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tiền và tương đương tiền đạt gần 17.200 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn (hơn 9.300 tỷ đồng) và tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng (7.800 tỷ đồng). Ngoài ra, EVN còn có 74.200 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng cộng, lượng tiền mặt lên tới hơn 91.400 tỷ đồng.
Dù dồi dào tiền mặt, nhưng khoản tiền đó vẫn không đáng là bao nhiêu so với số tiền tập đoàn đang đi vay nợ. EVN vẫn phải vay nợ quy mô lớn để bảo đảm dòng tiền cho đầu tư. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản EVN đạt 675.872 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả chiếm 70% tổng tài sản, lên đến 474.630 tỷ đồng.
Trong năm, tổng chi phí tài chính hơn 21.900 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay chiếm trên 17.000 tỷ đồng. Theo báo cáo, đến cuối năm 2024, EVN còn khoản vay thuê tài chính ngắn hạn 47.774 tỷ đồng và vay thuê tài chính dài hạn 276.296 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ vay tài lên hơn 324.000 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: EVN |
Hơn 63.000 tỷ đồng đầu tư dở dang
Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của EVN tính đến cuối năm đạt gần 63.400 tỷ đồng, tăng hơn 15.000 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng chi phí lãi vay được vốn hóa vào các dự án đang triển khai là 1.841 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý, riêng dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch ghi nhận mức tăng vốn đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng chỉ trong một năm.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Quốc hội đã thông qua nghị quyết tháng 11/2024, cho phép tiếp tục triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận – vốn từng bị dừng vào tháng 11/2016. Tại thời điểm lập báo cáo, EVN đang trong quá trình thực hiện các bước chuẩn bị để tái khởi động dự án trọng điểm này. Tính đến cuối năm 2024, EVN đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào dự án điện hạt nhân.
![]() |
Nguồn: EVN |
Trong năm 2024, EVN ghi nhận tăng vốn điều lệ hơn 2.205 tỷ đồng do tiếp nhận tài sản từ các đơn vị ngoài tập đoàn, trong đó có nhà máy điện Phú Mỹ 3. Việc tiếp nhận được thực hiện dưới hình thức gia tăng tài sản và tăng vốn chủ sở hữu Nhà nước.
Đồng thời, EVN cũng ghi giảm 776 tỷ đồng vốn điều lệ do việc bàn giao Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương quản lý. Kết quả, vốn điều lệ của EVN tính đến cuối năm 2024 đạt 221.392 tỷ đồng.
>> EVN làm việc với ông lớn năng lượng Trung Quốc, tìm lời giải cho bài toán lưu trữ điện