“Một cuộc cách mạng to lớn có thể bắt đầu từ việc thay đổi một cọng rơm. Mình tin rằng chỉ cần hành động, thì dù việc làm ấy có nhỏ đến đâu, cũng sẽ giúp ích. Người ta nói rằng nước biển sẽ không mặn hơn chỉ vì vài hạt muối, nhưng đừng băn khoăn quá nhiều, hãy là một hạt muối đầu tiên, để những người khác cũng trở thành như bạn!”- đó là điều mà Đặng Thu Hà luôn tin tưởng và cũng là động lực giúp cô cố gắng hoàn thành công việc của mình, dù vấp phải sự phản đối hay cái nhìn kì lạ của những người xung quanh.
Sở hữu 3.260km đường bờ biển, nằm trong top 10 quốc gia có có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ, Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rác thải đại dương. Theo số liệu thống kê từ Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, mỗi năm, nước ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng; số còn lại sẽ trôi nổi trên biển và huỷ hoại môi sinh . “Chỉ khi dành thời gian sống ở biển, bạn mới thấy xót xa đến thế nào khi chứng kiến cảnh tượng cá, chim hay thậm chí cả rùa biển chết do rác thải nhựa” , đó là điều đã thôi thúc Đặng Thu Hà – Founder Netcycle Côn Đảo – làm nên những món đồ tái chế.
Khi ánh bình minh bắt đầu ló rạng trên bãi biển An Hải (Côn Đảo), Đặng Thu Hà cùng những cộng sự của mình đã sẵn sàng để kéo mẻ lưới đầu tiên… trên cạn. Đây là những chiếc “lưới ma” (cách người ngư dân gọi về những tấm lưới vô chủ trôi dạt trên biển) bị vùi lấp trên bãi biển. Nếu không được thu gom và xử lý, những chiếc lưới này sẽ bắt đầu vòng lặp của chúng: trôi dạt trên biển, chìm xuống đáy, phủ lên những rạn san hô và huỷ hoại môi trường sống của sinh vật biển. Đặt chân tới Côn Đảo từ năm 2018, Hà đã không ít lần chứng kiến những sinh vật biển đáng thương trở thành nạn nhân của những chiếc lưới ma này, có khi là cả những chú rùa biển tới đây để sinh sản.
Bắt đầu từ một niềm trăn trở: Làm sao để kéo dài thời gian sử dụng của những tấm lưới vốn phải mất tới hàng trăm năm mới phân huỷ được, cô gái quê Cà Mau đã nảy ra ý tưởng biến chúng thành những vật dụng mà ai cũng cần tới – một chiếc túi lưới đi chợ hay đựng vật dụng hàng ngày. Nhờ vào khả năng “giãn nở thần kì”, những chiếc túi lưới này dường như không có giới hạn về kích thước, cũng bởi vậy mà chúng trở nên cực kì hữu ích khi có thể “đựng cả thế giới”. “Lúc đầu mình chỉ may túi cho chính mình sử dụng, sau đó thì may tặng bạn bè, người thân. Được mọi người khen ngợi và động viên, mình mạnh dạn đưa túi ra thị trường, trở thành một sản phẩm góp phần tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường biển”, Hà chia sẻ.
Từ mẫu túi đơn giản, theo thời gian, sản phẩm túi lưới của Hà đã trở nên “trendy” hơn với những dây vải, tua rua được phối theo màu sắc trẻ trung, bắt mắt và kiểu dáng cá tính. 90% những sản phẩm này được bán cho khách du lịch nước ngoài tới Côn Đảo với giá thành dao động từ khoảng 400 – 700 ngàn đồng/sản phẩm. “Nếu tính về chi phí sản xuất trên phần trăm lợi nhuận, đây là một món hàng khá “hời”, nhưng nếu biết về các công đoạn sản xuất “cực khổ”, chắc chắn khách hàng sẽ có cái nhìn khác. Về bản thân mình, mình thấy bán với giá nào cũng vẫn là rất rẻ!”, Hà phân trần về giá thành sản phẩm của mình.
Sở dĩ founder Netcycle Côn Đảo tự tin như vậy cũng vì những “giá trị cộng thêm” mà khách hàng nhận được ngoài sản phẩm: mỗi chiếc túi là một độc bản đầy cá tính, được làm thủ công hoàn toàn và việc sở hữu chiếc túi tái chế này cũng giống như bạn đang mang bên mình một “tuyên ngôn” mạnh mẽ với lối sống Xanh, có khả năng truyền cảm hứng tới những người xung quanh. Đó là điều mà không phải sản phẩm nào cũng có được.
Công đoạn sản xuất túi lưới quả thật rất “cực khổ”. Thời gian đầu, Hà và các cộng sự phải dậy từ sớm để thu gom lưới trên bãi biển, làm sạch chúng, vá lại những chỗ rách và thiết kế kiểu dáng phù hợp. Liệt kê trên giấy thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng những người sản xuất đã không ít lần “đổ máu” trong từng công đoạn. “Về sau, khi sản phẩm được khách hàng đón nhận nhiều hơn, mình không còn tự đi thu gom lưới trôi dạt nữa mà liên hệ thẳng với ngư dân để mua lại lưới cũ từ họ. Họ có thể bán cho mình những tấm lưới cũ hoặc lưới họ vớt được trên biển… Điều này khuyến khích họ không còn xả lưới ra biển như trước và có ý thức làm sạch biển hơn”, Thu Hà cho biết.
Chung quy thì điều gì cũng không thể nói suông, mà phải bắt đầu từ lợi ích. Nếu chỉ “khơi khơi” tuyên truyền về việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường cho thế hệ sau, những ngư dân vốn “ăn bữa nay lo bữa mai” sẽ không thể cảm nhận được. Nhưng nếu việc làm đó mang lại cho họ một nguồn thu nhập ngoài việc đi biển, họ sẽ tham gia rất tích cực. Bởi vậy, ngoài việc mua lại lưới cũ từ chính những người ngư dân, Hà còn thuê họ vá lưới rách và làm sạch lưới nguyên liệu trước khi làm thành sản phẩm. “Vá lưới là nghề của ngư dân rồi, nên họ làm nhanh hơn mình nhiều lắm. Sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong quá trình sản xuất. Thêm nữa, đó cũng là nguồn thu nhập của họ những khi không thể đi biển vì điều kiện thời tiết” – Hà cho biết thêm.
Những tấm “lưới ma” vô giá trị và gây hại cho môi trường, qua bàn tay sáng tạo của Netcycle Côn Đảo đã trở thành những sản phẩm mang tính ứng dụng cao và được du khách ưa chuộng. Để quảng bá sản phẩm, Hà đã trưng bày túi lưới tái chế trong 2 nhà hàng của mình dưới dạng workshop đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật. Các vị khách tới đây tham quan, mua sắm còn có thể trực tiếp tham gia sáng tạo một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân nếu muốn.
Bên cạnh đó, Hà cũng liên hệ với nhiều khách sạn tại Côn Đảo để có được một góc nhỏ dành cho các sản phẩm lưu niệm. “Các vị khách, đặc biệt là khách nước ngoài, rất thích sản phẩm túi tái chế này. Đây là một trong những sản phẩm bán chạy của quầy hàng vì có giá trị sử dụng cao, hơn nữa, khi khách biết rằng đây là sản phẩm tái chế giúp giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển, họ tỏ ra rất tâm đắc” – một quản lý khách sạn tại Côn Đảo cho biết.
Điều đặc biệt hơn cả, ngoài tính “duy nhất”, trên mỗi sản phẩm túi lưới tái chế của Netcycle Côn Đảo đều có gắn thêm vị trí toạ độ nơi nó được sản xuất: Côn Đảo, Việt Nam. “Từ đây, những chiếc túi lưới tái chế có thể chu du khắp thế giới: tới Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, sang Nga, Đức, Hàn Quốc… và thay người Việt quảng bá về hình ảnh của một Việt Nam xinh đẹp, với những hòn đảo còn nguyên sơ, trong lành cùng tinh thần sẵn sàng đồng hành, chung tay cùng thế giới chống lại ô nhiễm nhựa” – Thu Hà tự hào chia sẻ. Chỉ một chiếc logo nhỏ có kích thước chưa bằng một ngón tay nhưng mang rất nhiều ý nghĩa, đó không chỉ là tình yêu mà còn là niềm tự hào với biển đảo quê hương.
Tự nhận mình là một cô gái hướng nội, Đặng Thu Hà – Founder Netcycle Côn Đảo – sinh năm 1990, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Kiến trúc đô thị của Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, sau khi ra trường, Hà vốn có một công việc nhà nước ổn định.
“Trong một lần đọc cuốn sách mang tên “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, mình chợt thấy loé sáng như tìm ra chân lý và quyết tâm thay đổi cuộc sống, thay đổi cách mình đang cư xử với môi trường tự nhiên. Nhưng có vẻ như mình hơi cực đoan trong cách thể hiện và ép người nhà cùng hành động như mình: hoàn toàn nói không với đồ nhựa, túi bóng… Mọi người nghĩ mình bị khùng. Những cuộc cãi vã nổ ra và mình cảm thấy cần đến một nơi nào đó để có thể biến những điều mình tin tưởng thành hành động thực tế” – Hà quyết định “bỏ phố ra đảo” như xu hướng từng một thời “dậy sóng” trong giới trẻ vào thời điểm đó. Chọn Côn Đảo là điểm đến bởi tình cờ đọc được một thông báo tuyển dụng lái xe điện cho khách sạn, Hà háo hức bắt đầu “cuộc sống mơ ước” trong sự phản đối kịch liệt của gia đình.
“Đó là một quyết định đầy mạo hiểm, nhưng mình không hối hận. Chỉ khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn mới có thể khai thác hết khả năng của mình và khám phá ra mình là ai, mình có thể làm gì” – Hà lý giải về ngã rẽ đột ngột. Nhưng cuộc sống ở đảo không phải là màu hồng. Hà nghỉ việc chỉ sau 3 tháng lái xe. Để bám trụ lại hòn đảo, Hà xin vào làm trong một khu du lịch với vị trí bưng bê cho nhà hàng. 3 năm, từ một nhân viên chạy bàn cấp thấp, bằng sự nỗ lực, ham học hỏi, Hà đã lên cấp lễ tân rồi làm quản lý.
Như bao địa phương sống dựa vào nguồn thu chủ yếu từ du lịch, Côn Đảo cũng chao đảo trước dịch bệnh Covid-19. Hòn đảo gần như “đóng cửa”, hoàn toàn tách biệt với đất liền. Mọi hoạt động kinh tế ngưng trệ. Không còn việc làm, Hà buộc phải tự tìm cho mình lối đi riêng. Đó chính là thời điểm cô bắt tay vào khởi động dự án Netcycle một cách chú tâm và chuyên nghiệp hơn. “Lưới nhặt ngoài biển, vải vụn để phối cùng hay dụng cụ để may vá cũng là… đồ đi xin được, nên việc kinh doanh này có thể nói là khởi nghiệp từ 0 đồng” – Founder Netcycle nhớ lại.
Sản phẩm của Netcycle nhanh chóng được cộng đồng người yêu môi trường chú ý. Những chiếc túi lưới tái chế đã được gửi tới tay khách hàng tại nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng cũng chính lúc này, Thu Hà nhận thấy cô cần có một nguồn thu nhập đều đặn khác, đó là khi nhà hàng chay Madame Ha ra đời: “Nhận thấy lượng khách du lịch ăn chay ngày càng nhiều, nhưng trên đảo chưa có một nhà hàng chay chuyên nghiệp nào. Bằng kinh nghiệm làm trong ngành dịch vụ và kỹ năng nấu nướng cùng sở thích của bản thân, mình đã mạnh dạn mở một nhà hàng chay”.
Vốn có đam mê nấu ăn, sưu tầm đồ dùng làm bếp, Hà đã dành phần lớn tiền lương của mình mua sắm dụng cụ, trang bị đầy đủ cho căn bếp nhỏ dù chỉ sống một mình. Bởi vậy, dự án nhà hàng chay đầu tiên của cô cũng được khởi nghiệp… từ 0 đồng. Madame Ha được du khách đón nhận ngay khi vừa mở cửa, giúp cô nhanh chóng “ăn nên làm ra”, mở rộng quy mô nhà hàng chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Từ nhà hàng đầu tiên, Thu Hà trở thành “bà đỡ” mát tay cho nhà hàng tiếp theo ra đời khi trợ giúp và hợp tác cùng chính một bạn nhân viên trưởng thành trong căn bếp của Madame Ha.
Năm 2023, huyện Côn Đảo đã đón và phục vụ 586.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 11% so với cùng kỳ, trong đó có 17.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.088 tỷ đồng. Bước sang 2024, riêng trong 9 tháng đầu năm, tổng khách đến huyện đảo là 556.125 lượt. Rất nhiều trong số những vị khách này đã ít nhất một lần ghé thăm Netcycle và Madame Ha trong chuyến du lịch của mình. Bởi trên đảo, ngoài tham quan, ngắm cảnh và tắm biển thì việc làm túi lưới tái chế handmade hay tham gia các buổi học nấu ăn với người dân địa phương cho Hà tổ chức là một hoạt động được nhiều cơ sở du lịch đưa vào quảng bá, giới thiệu cho du khách như một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, mang đậm tính bản địa.
Có nhiều vị khách đã say sưa đan túi, may chụp đèn hay chia sẻ công thức nấu ăn tới quên cả thời gian. Trong căn bếp nhỏ, Hà luôn nói với các vị khách đa quốc tịch rằng: “Nếu không thể tìm thấy cùng một nguyên liệu ở nước bạn thì cũng không sao cả, hãy nghĩ xem thứ nào tương đồng, món nào tạo vị ngọt, món nào tạo vị chua, vị béo,…hãy ưu tiên dùng đồ địa phương. Chỉ cần hiểu tính chất, món ăn bạn làm ra sẽ rất thú vị”. Thói quen nấu ăn đó dường như cũng phản ánh chính con người và phương châm sống của Hà: sự linh hoạt trong mọi tình huống. Sau 5 năm bươn trải, từ khi còn là một nhân viên công sở thu mình trong cuộc sống hướng nội, giờ đây Hà đã rất tự tin “vứt ở đâu cũng sống được”.
Sau 2 nhà hàng là Madame Ha và Mây Bistro, Hà đang tiến hành mở một nhà hàng Ý, đây cũng là nhà hàng món Ý đầu tiên tại Côn Đảo. “Mỗi năm mình đều dành thời gian để học thêm, khi thì học làm bánh, khi thì học thêm các kĩ năng mới để phát triển việc kinh doanh. Đi tới đâu cũng nghĩ rằng có thể làm được gì ở đây. Mình thích làm những điều mới lạ, làm đầu tiên, chưa ai làm để mọi người nếu có ‘cọp pi’ thì cũng phải mất thời gian dài mới làm được. Làm túi tái chế cũng vậy, và giờ tới mở quán ăn” – bà chủ 9x chia sẻ.
Hà cho rằng, bí quyết để thành công không có gì to tát ngoài sự cần cù, chăm chỉ: “Nếu như người khác chỉ làm việc 8 tiếng một ngày, thì với một người ‘xuất phát từ con số 0’, mình phải làm việc hơn rất nhiều thời gian đó. Sự sáng tạo là do thiên phú, nhưng nếu bạn dám làm những công việc vất vả mà người khác ngại ngần, thì bạn có thể mở ra một ‘con đường mới’. Như là việc đan túi lưới, vì cực quá, nên không ai muốn làm”.
Từ một nhân viên văn phòng với công việc an toàn nhưng nhàm chán, Hà đã dám thay đổi cuộc sống, tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng, làm điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng. Cô chủ Netcycle chia sẻ: “Nhờ công việc kinh doanh, hiện nay mình đã có thể tự do làm những điều mình muốn. Mình thậm chí còn có thể đi du lịch tới 2 tháng liền mà không phải lo nghĩ tới công việc”. Để đạt được tự do tài chính cá nhân, ngoài việc chi tiêu tiết kiệm, khởi sự kinh doanh để có nguồn thu thụ động, việc quan trọng hơn cả là phải quản trị tốt doanh nghiệp của mình dù không thường xuyên có mặt.
“Trong quá trình quản lý, quản trị, điều mình luôn ưu tiên là thái độ cầu thị, cầu tiến của nhân viên. Bạn có thể không giỏi, không thành thạo công việc, mình có thể đào tạo bạn, nhưng thái độ phải nghiêm túc, ham học. Là người chủ, bạn cũng cần chia sẻ lợi ích xứng đáng và trao quyền cho nhân viên của mình. Với điều kiện du lịch mùa vụ ở Côn Đảo, những tháng thấp điểm, mình vẫn giữ nguyên mức lương của nhân viên, còn tháng cao điểm, đông khách hơn thì đương nhiên sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cho họ. Nếu các bạn muốn tách ra mở nhà hàng riêng, mình cũng ủng hộ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm hay hùn vốn…” – với cách quản trị khéo léo này, Hà luôn có bên cạnh một đội ngũ nhân sự trẻ, nhiệt huyết, gắn bó và tận tuỵ với công việc, đủ để cô có thể “bay bổng” đi tìm những ý tưởng sáng tạo mới!