spot_img
34.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpFPT Telecom (FOX) lập kỷ lục lợi nhuận, đem 13.000 tỷ đi...

FPT Telecom (FOX) lập kỷ lục lợi nhuận, đem 13.000 tỷ đi gửi ngân hàng

Lần đầu tiên FPT Telecom (FOX) báo lãi trước thuế vượt mốc nghìn tỷ trong một quý, đạt 1.129 tỷ đồng trong quý II/2025.

Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã chứng khoán: FOX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với kết quả tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động.

Cụ thể, doanh thu thuần quý II đạt 4.775 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 2.408 tỷ đồng, tăng 19%, đưa biên lãi gộp lên hơn 50% – tức cứ 2 đồng doanh thu thì mang về 1 đồng lợi nhuận gộp.

Một điểm sáng đáng chú ý là doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh, đạt 215 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng tương ứng với quy mô mở rộng của công ty.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 1.129 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc nghìn tỷ đồng trong một quý. Lợi nhuận sau thuế đạt 903 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của FPT Telecom.

FPT Telecom (FOX) lập kỷ lục lợi nhuận, đem 13.000 tỷ đi gửi ngân hàng
FPT Telecom lãi kỷ lục trong quý II/2025

Theo giải trình của doanh nghiệp, kết quả khả quan đến từ việc nâng cao chất lượng đường truyền, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời tối ưu hiệu quả bán hàng, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động và tối ưu nguồn vốn.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.357 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.649 tỷ đồng, tăng 19%.

So với kế hoạch cả năm là doanh thu 19.900 tỷ và lợi nhuận trước thuế 4.200 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành khoảng 47% kế hoạch doanh thu và gần 50% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau nửa đầu năm.

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của FPT Telecom đạt 25.246 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền gửi ngân hàng đạt tới 13.225 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản.

Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn đạt 785 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi đầu năm), tiền gửi có kỳ hạn đạt 12.439 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ). Nhờ nguồn tiền lớn này, lãi từ tiền gửi và cho vay đạt 353 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2024.

Nợ phải trả của FPT Telecom cũng tăng khá mạnh, đạt 15.330 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn lên tới 9.273 tỷ đồng, tăng 40%.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cuối kỳ giảm nhẹ về 9.779 tỷ đồng, khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) tăng lên mức 1,57 lần. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chính thức chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại FPT Telecom về Bộ Công an.

Trước thời điểm chuyển giao, SCIC sở hữu 50,2% cổ phần và Tập đoàn FPT nắm giữ 45,7%. Sau khi hoàn tất chuyển giao, 3 thành viên cấp cao trong HĐQT và Ban Kiểm soát gồm bà Trần Thị Hồng Lĩnh, ông Phan Thế Thành và ông Đỗ Xuân Phúc cũng đã đồng loạt xin từ nhiệm, do không còn đại diện vốn.

>>Đại gia như FPT: Đem 36.000 tỷ gửi ngân hàng, ‘ngồi không’ cũng thu lãi hơn 4 tỷ đồng mỗi ngày

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật