Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, từ 2.103,1159 đồng/kWh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng hơn 100 đồng/kWh. Mức giá mới có hiệu lực từ ngày mai (10/5).
Như vậy, kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần tăng giá điện, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.

Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, ngày 31/3/2025 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Về thời gian điều chỉnh giá điện, theo quy định mới tại Nghị định 72 vừa được ban hành hồi tháng 3, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 2-5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. EVN sẽ quyết định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi có ý kiến từ Bộ Công Thương.
Nếu cần tăng từ 5-10%, EVN chỉ được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Còn với mức tăng từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.