spot_img
34.6 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpGiảm thuế VAT: 'Liều doping' cho sản xuất, tiêu dùng

Giảm thuế VAT: ‘Liều doping’ cho sản xuất, tiêu dùng

Từ ngày 1/7/2025, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức được tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2026. Không chỉ là con số kỹ thuật trong chính sách tài khóa, quyết định này đang được ví như “liều doping” đúng lúc, giúp sản xuất kinh doanh bứt tốc giữa thời điểm nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Giảm đồng nào, đỡ đồng nấy

Tại Trung tâm thương mại Centre Mall Võ Văn Kiệt (phường Bình Tiên, TPHCM) nhộn nhịp khách mua sắm. Bên quầy thực phẩm thiết yếu, chị Nguyễn Thị Ý (32 tuổi, nhân viên kinh doanh) hồ hởi khoe, hầu như sản phẩm đều cũng được khuyến mãi. Thậm chí có nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, hàng tiêu dùng… còn được áp dụng tới hai lần giảm giá. “Tôi vừa chọn mua được mấy bộ đồ công sở đang có chương trình khuyến mãi lên tới 40%, sau khi tính tiền còn được giảm thuế VAT còn 8%. Tính ra được 2 lần giảm giá, mỗi thứ giảm một chút nhưng tổng số tiền giảm đã gần trăm nghìn đồng” – chị Ý nói.

Có con gái vừa đậu lớp 10, anh Lê Văn Hà (ngụ phường An Lạc) dự định tặng con chiếc laptop để làm phương tiện học tập. Đến một cửa hàng điện máy gần nhà, anh bất ngờ khi mẫu laptop mới xem hồi cuối tháng còn giá 33 triệu đồng, nay chỉ còn 32,4 triệu đồng. Lý do là các mặt hàng điện tử đã được giảm giá VAT từ 10% xuống còn 8% từ tháng 7/2025. “Chúng tôi thực sự “cảm” được khi chính sách này len lỏi vào từng hóa đơn, giỏ hàng. Chính sách giảm 2% thuế VAT thực sự có ý nghĩa rất lớn trong thời buổi khó khăn, vật giá leo thang như hiện nay. Mỗi đồng giảm giá là một cơ hội để tôi có thể cân đối lại chi tiêu” – anh Hà chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết, hệ thống đã điều chỉnh giá bán hàng chục nghìn sản phẩm để cập nhật mức VAT mới. Theo ông, đây không chỉ là trách nhiệm tuân thủ chính sách mà còn là cách DN tôn trọng khách hàng: “Giảm 2% VAT giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa giá rẻ hơn, tạo động lực chi tiêu trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn”.

Giảm thuế VAT: 'Liều doping' cho sản xuất, tiêu dùng ảnh 1
Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngập khuyến mãi thu hút người tiêu dùng mua sắm (ảnh tại Satra Võ Văn Kiệt). Ảnh: U.P

Thị trường bán lẻ đang tận dụng tối đa chính sách này để kích cầu. “Giảm thêm nữa cũng được, miễn sao đẩy được hàng tồn, tăng thanh khoản” – đại diện một siêu thị điện máy chia sẻ. Khuyến mại cộng giảm thuế đang là “combo kép” kích thích tiêu dùng mạnh mẽ, đặc biệt trong những ngành vốn nhạy cảm về giá như điện tử, đồ gia dụng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc công ty sản xuất hàng tiêu dùng gia dụng (xã Thái Mỹ) khẳng định, giảm VAT là chính sách kích thích kinh tế hiệu quả vì nó tác động trực tiếp đến cả cung và cầu. “Chúng tôi không chỉ giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh, mà còn có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm. Người dân cũng được lợi từ việc giá cả hàng hóa hợp lý hơn” – ông Hải nói.

Tiếp “oxy” cho xuất khẩu

Ở góc độ nhà sản xuất, bà Nguyễn Thị Châu, Giám đốc Cty may mặc V.N.F (phường Tân Tạo) nhìn nhận, chính sách giảm thuế không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí đầu vào mà còn là “cơ hội vàng” để cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng suất. “Nhờ giảm thuế VAT 2%, DN có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động. Tuy vậy, các đơn hàng hiện mới hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá. Việc kéo dài chính sách này đến hết năm 2026, đặc biệt mở rộng sang nhóm hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu – vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào giúp giảm giá thành, giúp sức tiêu thụ mạnh hơn” – bà Châu nói.

Đặc biệt, lần điều chỉnh này còn mở rộng đối tượng áp dụng sang lĩnh vực logistics, vốn là “xương sống” của chuỗi cung ứng, nhất là với các DN xuất khẩu. Ông Võ Đức Hậu, chuyên xuất khẩu cà phê nói rằng, giảm thuế VAT còn 8% đặc biệt có ý nghĩa đối với các DN xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ thời điểm này, vì giá tàu biển đi sang Hoa Kỳ đang tăng cao trước thời điểm hết hạn hoãn thuế đối ứng. “Thời điểm này chi phí tàu biển sang Mỹ đang tăng mạnh, nếu không được giảm thuế VAT, chúng tôi chắc chắn sẽ lỗ. Chính sách giảm VAT xuống 8% với dịch vụ logistics là cứu cánh rất kịp thời” – ông Hậu nói.

Các hiệp hội ngành nghề cũng ghi nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM, khi giá thép, nhôm, chi phí vận chuyển đồng loạt giảm, các DN cơ khí có điều kiện giữ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, tăng khả năng nhận đơn hàng mới. “Đây là tiền đề quan trọng giúp ngành duy trì đà phục hồi sau dịch” – ông Tống cho biết.

Chính sách ổn định

Theo các chuyên gia, một trong những điểm đáng ghi nhận lần này là chính phủ không chỉ giảm thuế trong thời gian ngắn hạn mà đã công bố rõ lộ trình kéo dài đến cuối năm 2026. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam phân tích: “Chính sách tài khóa nếu cứ 6 tháng thay đổi một lần sẽ khiến DN mất phương hướng, rơi vào trạng thái chờ đợi. Quyết định kéo dài đến 2026 là một tín hiệu tích cực, tạo môi trường ổn định để DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Cty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất, kinh doanh của DN còn hạn chế và đời sống của người dân vẫn còn khó khăn thì việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% sẽ hỗ trợ người dân, DN về tài chính, đồng thời, thể hiện sự chia sẻ và “khoan thư sức dân” của Nhà nước.

Theo các chuyên gia, VAT là thuế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế VAT 2% thì về mặt lý thuyết, giá sẽ giảm tương ứng 2%, nhờ đó, người tiêu dùng mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ với mức giá rẻ hơn nên sẽ làm tăng sức mua. Khi người dân mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, DN bán được nhiều hàng hơn, tăng tính thanh khoản, gia tăng sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nếu các DN cũng thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc tăng năng lực sản xuất.

>> Nóng: 12 đối tượng không phải chịu thuế VAT từ 1/7/2025

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật