Ra đời giữa đại dịch
Tháng 4/2020 Vietravel Airlines được Chính phủ phê duyệt thành lập với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng do Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nắm 100% vốn điều lệ.
Tháng 1/2021, chuyến bay thương mại đầu tiên của Vietravel Airlines cất cánh. Ngay sau đó hãng này phải cắt giảm tần suất chuyến bay và gặp phải tình trạng “trắng chuyến” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thậm chí vì tình hình kinh doanh khó khăn, lỗ chồng lỗ nên hồi giữa năm 2021 liên tục xuất hiện tin đồn về việc Vietravel phải bán Vietravel Airlines, điều này khiến Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của hãng là ông Nguyễn Quốc Kỳ phải lên tiếng dập tắt tin đồn. Tuy nhiên, ông Kỳ hay ai cũng không thể phủ nhận được rằng giai đoạn 2021 – 2023 mọi chỉ số kinh doanh của Vietravel Airlines không hề cất cánh theo các chuyến bay.

Giai đoạn 2021 – 2023 tình hình kinh doanh của Vietravel Airlines liên tục ghi nhận lỗ. Ảnh: Vietravel.
Báo cáo tài chính năm 2022 của Vietravel Airlines chỉ ra mức lỗ 559 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu bị “bào mòn” còn hơn 300 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ hơn 860 tỷ đồng. Vì vậy, sau 2 năm vận hành, tổng lỗ lũy kế của Vietravel Airlines tròn 1.000 tỷ đồng.
Để có dòng tiền duy trì hoạt động, trong năm 2022 Vietravel Airlines đã gửi đề xuất xin được nâng tổng vốn đầu tư lên 8.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư. Tuy nhiên, do vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật nên đề xuất này đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Năm 2023, khoản lỗ tích tụ của Vietravel Airlines tăng lên gần 1.500 tỷ đồng do đó tính đến ngày 31/12/2023 hãng bay rơi vào tình trạng mất sạch vốn chủ sở hữu và âm hơn 103 tỷ đồng. Ngoài ra, khối nợ cần thanh toán cho đối tác, khách hàng và tổ chức tín dụng của Vietravel Airlines cũng liên tục bị dồn ứ, tăng từ 612 tỷ đồng năm 2022 lên 1.186 tỷ đồng năm 2023.
Theo thống kê của Cục Hàng không, trong tháng 2 vừa qua, Vietravel Airlines là hãng khai thác số lượng chuyến bay thấp nhất thị trường. Riêng tháng 1, hãng này thực hiện 617 chuyến bay và giảm xuống còn 444 chuyến trong tháng 2 với tỷ lệ đúng giờ là 65,8% – thấp hơn 1,6% so với mức bình quân của ngành.
‘Đổi chủ’ sẽ tạo bước ngoặt?
2024 được coi là năm bản lề với Vietravel Airlines khi lần đầu tiên báo lãi vào quý I với lợi nhuận ròng khoảng 10 tỷ đồng, đến tháng 11 cùng năm hãng này được được phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 12/12 cùng năm, Bầu Hiển – Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group – chính thức trở thành cổ đông chiến lược của hãng.
Tại đại hội cổ đông bất thường chiều 1/4 mới đây, ông Đỗ Vinh Quang (30 tuổi) – con trai thứ hai của Bầu Hiển – được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietravel Airlines, nhiệm kỳ 2025-2030, thay cựu chủ tịch kiêm nhà sáng lập Nguyễn Quốc Kỳ.

Ông Đỗ Vinh Quang – con trai thứ hai của Bầu Hiển – tân Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines nhiệm kỳ 2025-2030.
Ngoài ông Quang, con trai cả của Bầu Hiển là ông Đỗ Quang Vinh cũng tham gia vào HĐQT của Vietravel Airlines cùng với ông Nguyễn Ngọc Nghị – Phó Tổng Giám đốc T&T.
“T&T Group kỳ vọng sự thay đổi này sẽ tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho Vietravel Airlines trong tương lai, đưa Hãng hàng không Vietravel Airlines bước vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới”, tân Chủ tịch Vietravel Airlines Đỗ Vinh Quang bày tỏ tại đại hội.
Tân Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết, trong giai đoạn tới các thành viên HĐQT của Vietravel Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc để tăng trưởng quy mô đội bay, mở rộng khai thác mạng đường bay nội địa, đẩy mạnh hợp tác và liên doanh để phát triển các đường bay quốc tế, hướng tới phát triển hãng hàng không xanh.
Vietravel Airlines được định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn hàng không, vậy nên bên cạnh mảng vận chuyển hành khách thì hãng đang có có kế hoạch mở rộng sang mảng vận chuyển hàng hoá hàng không.
Ngoài ra, doanh nghiệp của Bầu Hiển cũng đang xúc tiến làm việc với các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như Boeing hay Airbus để tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực phát triển các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất linh kiện hàng không tại Việt Nam giống như cách Boeing đã hợp tác với Singapore hoặc Airbus đầu tư vào Malaysia và Thái Lan.

Thời gian tới Vietravel Airlines sẽ mở rộng khai thác mạng đường bay nội địa, đẩy mạnh hợp tác và liên doanh để phát triển các đường bay quốc tế. Ảnh: Vietravel.
Đại diện Vietravel Airlines và T&T Group tin rằng nếu tham vọng của họ thành công sẽ giúp giảm chi phí vận hành cho các hãng bay trong nước, tạo ra mặt bằng giá vé hợp lý hơn cho người dân, thu hút nguồn ngoại tệ đáng kể từ dịch vụ hàng không và tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao, qua đó góp phần nâng tầm vị thế của ngành hàng không nước ta.
Hiện tại, sau gần 4 năm hoạt động Vietravel Airlines đã thành công kết nối Hà Nội và TPHCM đến các thành phố du lịch trong nước và quốc tế như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Huế và Bangkok (Thái Lan). Hãng này cũng đã phối hợp với một số thành phố du lịch khu vực châu Á để xúc tiến du lịch song phương thông qua việc thực hiện các chuyến bay thuê chuyến kết nối: TPHCM/ Đà Nẵng – Kagawa/ Fukushima (Nhật Bản), Phú Quốc – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Hà Nội – Tam Á (Trung Quốc),…