Luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ 2024 với quy định giới hạn thời gian lái xe tối đa 48 giờ một tuần đang gây ra nhiều tranh cãi trong ngành logistics, vận tải.
Trong văn bản gửi Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, với mức giới hạn 56 giờ một tuần tại EU và 60-70 giờ tại Mỹ, quy định tại Việt Nam đạt mức rất thấp. Hiệp hội cảnh báo quy định này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập tài xế mà còn làm giảm năng lực vận tải, đẩy giá cước tăng cao, tăng chi phí logistics và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo khảo sát của hiệp hội, nhiều tài xế hiện nay làm việc 60-65 giờ một tuần với các tuyến đường ngắn, và hơn 65 giờ một tuần với tuyến đường dài. Việc cắt giảm giờ làm xuống 48 giờ một tuần khiến họ đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập từ 20-30%.
Đối với doanh nghiệp vận tải, quy định này dẫn đến giảm năng suất vận tải, đẩy giá cước tăng 20-25%, đây là gánh nặng không nhỏ trong bối cảnh chi phí logistics đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí kinh doanh.
Thêm vào đó, quy định này được áp dụng mà chưa xem xét đến những điều kiện đặc thù của giao thông Việt Nam, như tình trạng tắc đường kéo dài. Các giờ chờ đợi bất khả kháng cũng bị tính vào thời gian làm việc, khiến các doanh nghiệp và tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, quy định này bị đánh giá là thiếu thực tiễn, tạo ra lãng phí đầu tư lớn cho hàng triệu phương tiện vận tải đường bộ.
Ngoài giới hạn thời gian làm việc, các quy định mới liên quan đến đổi biển số xe kinh doanh theo Thông tư 79 cũng đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Hơn một triệu xe đối biển khiến doanh nghiệp đối mặt với chi phí phát sinh và thủ tục phức tạp.
Những mức phạt nặng theo Nghị định 168 cũng làm gia tăng tâm lý lo lắng trong giới tài xế. Thu nhập trung bình không cao, trong khi các mức phạt vượt quá khả năng chi trả khiến nhiều tài xế rời bỏ nghề, gây thiếu hụt lực lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Logistics Hà Nội đề xuất điều chỉnh giờ lái xe lên 65 giờ một tuần, giống như các quốc gia Mỹ và EU. Đồng thời, chỉ xử phạt vi phạm khi vượt quá 10% thời gian quy định theo Nghị định 168. Thời gian lái xe được tính cộng dồn ở tốc độ tối thiểu 15 km/h để loại trừ ảnh hưởng của tắc đường.
Hai ngày trước đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan chức năng, nhấn mạnh tình trạng ùn tắc kéo dài ở hệ thống đường bộ chưa đồng bộ khiến việc tuân thủ quy định trở nên bất khả thi. Các đề xuất bao gồm: nới lỏng quy định thời gian lái xe từ 48 giờ lên 60 giờ một tuần, điều chỉnh thời gian lái xe liên tục, cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung trạm dừng nghỉ, và áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hành chính.
Hiệp hội cũng đề xuất tăng cường đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, lắp đặt thêm trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường huyết mạch như tuyến Bắc – Nam, nhằm giảm ùn tắc và hỗ trợ tài xế tuân thủ quy định mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Thi Hà