Theo báo cáo phát hành gần đây của Chứng khoán Phú Hưng, dữ liệu xuất khẩu cho thấy các khách hàng lớn của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) như Mitsubishi (Nhật Bản), KS-International (Anh), và UNID Global Corp (Hàn Quốc) đã gia tăng mạnh mẽ nhập khẩu phốt pho vàng từ quý III/2024. Nguyên nhân có thể đến từ mức tồn kho tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đang ở mức thấp.
Chứng khoán Phú Hưng dự báo xu hướng này sẽ kéo dài đến cuối năm nay, tạo động lực giúp sản lượng tiêu thụ phốt pho vàng của Đức Giang trong năm 2024 tăng 27% so với mức nền thấp của năm ngoái.
Sang năm 2025, mảng phốt pho vàng của Đức Giang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ sự tăng tốc của ngành sản xuất chip toàn cầu và hàng loạt nhà máy bán dẫn mới tại châu Á đi vào hoạt động.
Ảnh minh hoạ: Loạt nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn tại châu Á dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm sau. Nguồn: Internet |
>> Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP. HCM trị giá 4 tỷ USD
Tại Nhật Bản, TSMC, Sony và các doanh nghiệp khác đang hoàn thiện các nhà máy sản xuất chip công nghiệp với tổng vốn đầu tư 8,6 tỷ USD. Tại Ấn Độ, Samsung sẽ ra mắt tổ hợp sản xuất chất bán dẫn trị giá 15 tỷ USD, trong khi Micron Technology dự kiến vận hành nhà máy sản xuất chất bán dẫn 10 tỷ USD tại Singapore.
Ngay từ cuối năm 2023, một số nhà đầu tư đã tìm đến Đức Giang để khảo sát nguồn cung phốt pho vàng. Ban lãnh đạo cho biết các nhà đầu tư đều đánh giá tích cực và thể hiện sự quan tâm lớn đến sản phẩm của tập đoàn. Hiện tại, các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp tới 55% doanh thu mảng phốt pho vàng hàng năm của Đức Giang.
Giữ vững vị thế là nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á, Đức Giang hiện chi phối gần 1/3 tổng lượng xuất khẩu phốt pho vàng toàn cầu. Đặc biệt, tập đoàn sở hữu công nghệ luyện quặng apatit dạng bột độc quyền, cho phép tiết giảm chi phí sản xuất và tận dụng tối đa nguồn quặng apatit cấp thấp.
Gần đây, Đức Giang đã phê duyệt kế hoạch mở rộng khai thác quặng apatit tại Khai trường 25, Lào Cai nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp. Tập đoàn đang đề xuất gia hạn giấy phép khai thác thêm 5 năm, dựa trên trữ lượng lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Nếu được thông qua, tỷ lệ quặng tự khai thác của Đức Giang có thể tăng từ 80% lên 90% vào năm 2025, giúp tiết kiệm chi phí hơn nữa.
Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết đang tích cực tìm kiếm các mỏ mới và nghiên cứu tiềm năng mua lại các doanh nghiệp sở hữu mỏ thông qua hoạt động M&A, nhằm củng cố nguồn cung quặng apatit cho tập đoàn.
>> Thành phố đáng sống nhất Việt Nam sẽ trở thành ‘thủ phủ’ thiết kế vi mạch và bán dẫn vào năm 2030