Trong báo cáo mới công bố, TikTok tiết lộ đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào công nghệ, nhân sự và cải tiến quy trình kiểm duyệt nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Nền tảng này cũng triển khai các chính sách nghiêm ngặt đối với người bán và sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm.
Theo TikTok Shop, tất cả các sản phẩm trên nền tảng đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc, và thông tin mô tả rõ ràng. Người bán bắt buộc tuân thủ quy định pháp luật, chính sách vận hành và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Đồng thời, nhà sáng tạo nội dung phải cung cấp thông tin trung thực, minh bạch và quảng bá phù hợp với nguyên tắc cộng đồng cũng như pháp luật.
Sai phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên TikTok Shop không phải hiếm gặp. Tháng 10/2024, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc từ tài khoản của TikToker Phan Thủy Tiên, người có gần 5 triệu lượt theo dõi. Kênh này thường xuyên livestream bán hàng nhưng không thể cung cấp hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Trước đó, tháng 8/2024, lực lượng quản lý thị trường Quảng Ninh cũng phát hiện tài khoản TikTok Shop “Hương Anh Food & Nest” bày bán hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc, bao gồm 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 bánh trung thu.
TikTok Shop chi 500 triệu USD siết quy trình kiểm duyệt, thanh lọc người bán |
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, TikTok Shop đã xây dựng đội ngũ 7.500 nhân sự toàn cầu, chuyên trách việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Trong nửa đầu năm 2024, TikTok Shop đã từ chối 20,4 triệu sản phẩm không đạt chuẩn, gỡ bỏ 124.000 sản phẩm bị cấm, vô hiệu hóa hơn 2 triệu tài khoản người bán và tắt tính năng thương mại của 500.000 nhà sáng tạo nội dung.
Từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, TikTok Shop đã ngăn chặn hơn 5 triệu sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, gỡ bỏ 497.026 sản phẩm và hơn 800.000 video, livestream vi phạm. Tại Việt Nam, TikTok Shop còn hợp tác với Cục An toàn Thông tin để triển khai các chương trình chống lừa đảo trên không gian mạng, kết hợp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng.
TikTok Shop cũng không ngừng cải tiến dịch vụ, bao gồm miễn phí vận chuyển, giao hàng trong 24 giờ, và chính sách đổi trả linh hoạt. Điều này đã góp phần nâng cao lòng tin của người dùng, đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm.
Báo cáo mới nhất cho thấy TikTok Shop đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) toàn cầu khoảng 32,6 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Việt Nam nằm trong top ba thị trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á với GMV hơn 4,4 tỷ USD. Hai thị trường dẫn đầu khu vực là Indonesia (6,1 tỷ USD) và Thái Lan (5,7 tỷ USD).
Tại Việt Nam, cuộc đua TMĐT đang ngày càng gay gắt. Shopee và TikTok Shop đã vươn lên dẫn đầu, vượt qua các đối thủ như Lazada và Tiki. Shopee nổi bật nhờ chiến lược tập trung vào người dùng di động và miễn phí vận chuyển, trong khi TikTok Shop ra mắt giữa năm 2022 đã nhanh chóng trở thành nền tảng TMĐT lớn thứ hai tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc. Tổng cục Quản lý Thị trường cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các nền tảng TMĐT để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh.