Ngày 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh rằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm đang là những mục tiêu, định hướng lớn của thế giới.
Ông khẳng định: “Việt Nam muốn kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại thì phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chính xác tình hình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần theo kịp, tiến cùng và vượt lên”.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh các động lực truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, cần phát triển các động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò then chốt. Chuyển đổi số được xem là một cuộc cách mạng toàn cầu, xác lập tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới. Đối với Việt Nam, ông cho rằng cần có tư duy đột phá, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai khẩn trương “Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”. Ông nhấn mạnh rằng những ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện thể chế, chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng điện và công nghệ thông tin, và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Phạm Minh chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP |
>> Thủ tướng: Việt Nam quyết tâm phát triển bằng được ngành công nghiệp bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng, phát triển trung tâm nghiên cứu và mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA được ký kết vào ngày 5/12. Theo đó, NVIDIA sẽ hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Tập đoàn này cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, đồng thời dự kiến tạo ra khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và từ 40.000-50.000 việc làm gián tiếp.
Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, NVIDIA đã triển khai các công việc liên quan như tuyển dụng nhân sự, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thu hút nhân tài, đặc biệt cho Trung tâm R&D tại Việt Nam. Sự kiện ký kết với NVIDIA đã tạo tiếng vang lớn, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh nỗ lực từ Chính phủ, các địa phương như TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… cũng tích cực triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái bán dẫn. Những địa phương này đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư quốc tế. Nhờ vào sự phối hợp giữa “Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp”, Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ sinh thái bán dẫn, tạo tiền đề để trở thành điểm đến hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn cần được phát triển với tầm nhìn dài hạn, gắn với xu thế toàn cầu và nhu cầu trong nước. Thủ tướng kỳ vọng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng đồng lòng, hợp lực để đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực, góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là bước khởi đầu quan trọng trong việc định hình chiến lược và thúc đẩy các hành động cụ thể để hiện thực hóa tham vọng công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
>> Việt Nam thu hút gần 12 tỷ USD dòng vốn toàn cầu vào các dự án bán dẫn