spot_img
25.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpHuyện ít dân nhất TP. HCM sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ...

Huyện ít dân nhất TP. HCM sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ USD định hướng trở thành thành phố sinh thái biển

Với diện tích hơn 704km2 và dân số hơn 78.000 người, huyện này là địa bàn có diện tích lớn nhất nhưng dân số nhỏ nhất TP. HCM.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển TP. HCM thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, với nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn đầu về kinh tế xanh, kinh tế số và xã hội số.

TP. HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại – dịch vụ, văn hóa, giáo dục và khoa học – công nghệ hàng đầu của cả nước. Thành phố hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,5-9%/năm giai đoạn 2021-2030. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 dự kiến đạt 14.800-15.400 USD.

Quy hoạch đô thị theo định hướng đa trung tâm, phát triển các khu đô thị tri thức sáng tạo, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, mô hình “thành phố trong thành phố”. Đến năm 2030, TP. HCM tập trung xây dựng một đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc, gồm Thủ Đức (đô thị loại I), cùng các đô thị vệ tinh tại Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Sau năm 2030, TP. HCM sẽ hoàn thiện mô hình đô thị đa trung tâm, bao gồm khu vực trung tâm, đô thị Thủ Đức, các đô thị Củ Chi – Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 7 – Nhà Bè, và Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).

Huyện ít dân nhất TP. HCM sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ USD định hướng trở thành thành phố sinh thái biển
Phối cảnh dự án siêu cảng Cần Giờ

>> TP. HCM sẽ có thêm 5 ‘thành phố trong thành phố’

Huyện Cần Giờ, với diện tích hơn 704km2 và dân số hơn 78.000 người, là địa bàn có diện tích lớn nhất nhưng dân số nhỏ nhất TP. HCM. Quy hoạch huyện tập trung vào phát triển kinh tế biển, cảng trung chuyển, khu thương mại tự do, logistics, du lịch sinh thái biển và năng lượng tái tạo.

Khu vực cù lao Con Chó tại xã Thạnh An dự kiến là địa điểm xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng mức đầu tư khoảng 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Khi đi vào hoạt động, cảng này cùng cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ trở thành tổ hợp cảng lớn, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, và mở ra cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, Cần Giờ đạt và vượt kế hoạch 17/18 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 19,8%. Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 62,4%, tăng 5,3% so với năm trước. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2023, trong khi thu ngân sách đạt 666,4 tỷ đồng, tăng 133% so với năm trước.

Quy hoạch TP. HCM giai đoạn mới không chỉ đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thành phố, mà còn tạo động lực thúc đẩy các huyện như Cần Giờ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

>> ‘Siêu dự án’ lấn biển 282.000 tỷ của Vingroup (VIC) tại Cần Giờ: Có 11 chung cư và 27.000 căn thấp tầng

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật