spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpKiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL,...

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL, công ty bầu Đức phản hồi thế nào?

Việc nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn cùng khoản lỗ lũy kế hơn 957 tỷ đồng là “yếu tố không chắc chắn” trọng yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của HAGL, theo đơn vị kiểm toán.

Mới đây Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024. Theo đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, khoản lỗ lũy kế 957 tỷ đồng và tại ngày 30/6/2024, đồng thời, nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 350 tỷ đồng là vấn đề đáng lo ngại.

Cụ thể, theo số liệu trên báo cáo tài chính, đến ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của HAGL là 12.750 tỷ đồng, giảm 1.475 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 9.058 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn (8.707 tỷ đồng). Cơ cấu nợ phải trả bao gồm dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.951 tỷ đồng và dài hạn là 2.981 tỷ đồng, tổng cộng gần 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và chưa thanh toán các khoản nợ gốc, lãi của các khoản vay trái phiếu đến hạn. Đến 30/6, công ty chưa thanh toán hơn 789 tỷ đồng nợ gốc, 7,7 tỷ đồng lãi vay, và khoảng 3.277 tỷ đồng lãi trái phiếu đến hạn, do chưa thu được khoản nợ từ HNG.

Do đó, kiểm toán nhấn mạnh “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL (HAG)

Cơ cấu nợ vay của HAGL

Giải trình về những vấn đề được kiểm toán nhấn mạnh, HAGL cho rằng công ty đã HAGL đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp.

Kế hoạch này gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ đối tác, vay vốn từ ngân hàng và khai thác dòng tiền từ các dự án đang triển khai. HAGL kỳ vọng các biện pháp này sẽ giúp công ty trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong 12 tháng tiếp theo.

“Hoạt động kinh doanh từ heo và chuối đang tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024”, văn bản của HAGL nêu.

Theo báo cáo, doanh thu thuần của công ty giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.762 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng gần 30%, đạt hơn 500 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp tăng từ 20% lên 35,5%.

Trái cây là nguồn thu chính của công ty, đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 72,5% tổng doanh thu, tăng 57% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng chăn nuôi heo mang về hơn 611 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2023.

Hoàng Anh Gia Lai lý giải lợi nhuận đi lên nhờ doanh thu trái cây tăng. Dù doanh số mảng heo giảm, công ty vẫn có lời nhờ giá heo tăng.

Năm nay, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 7.750 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 25,9% xuống còn 1.320 tỷ đồng. Với mức lãi hơn 500 tỷ đồng trong nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 37,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật