Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) là doanh nghiệp bia nội địa lớn nhất Việt Nam. Năm 2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage (Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49%) đã chi khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD thời điểm đó) để mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB qua đó nắm 53,59% vốn của Sabeco.
Sau khoảng 8 năm đầu tư vào Sabeco, Thaibev đang tạm lỗ khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ phú Thái Lan này đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá lớn đối với “đại gia” Thái Lan. Theo Nikkei , trong một cuộc họp báo tại Thái Lan vào tháng 9/2022, đại diện lãnh đạo của ThaiBev chia sẻ, Sabeco là “viên ngọc quý”, một tài sản hiếm có trong số những nhà sản xuất bia ở khu vực Đông Nam Á.
Trước Sabeco, các công ty thành viên trong tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Charoen đã thực hiện các thương vụ mua lại 100% hệ thống bán buôn Metro Cash & Carry Việt Nam (nay là MM Mega Market Việt Nam) và 65% vốn Phú Thái Group, đổ tiền thực hiện thương vụ mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart.
CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa với thị phần chính tập trung tại khu vực miền Nam. Hiện“đại gia” Thái Lan – tập đoàn SCG đang nắm giữ 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd.
Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom. Sau khi “ôm” trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, SCG đã chính thức thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh.
Tổng số tiền tập đoàn Thái Lan chi ra cho thương vụ này ước tính vào khoảng 2.800 tỷ đồng.
Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, đồng thời, khoản tiền cổ tức SCG nhận được từ Nhựa Bình Minh hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, SCG đã lãi gần gấp 3 lần với khoản đầu tư này.
SCG còn nắm trong tay nhiều thương hiệu VLXD khác, như Prime Group, công ty gạch men hàng đầu Việt Nam.
Trong lĩnh vực bao bì, SCG năm 2015 mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Năm 2020, SCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của SCG đã mua 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa (Sovi). Năm 2021, SCG mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân.
Năm 2017, SCG chi 156 triệu USD để mua lại 100% công ty StarCemt (VCM) – đơn vị sở hữu nhà máy Xi măng Sông Gianh tại Quảng Bình. Cuối năm 2023, SCG đã mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Starprint Việt Nam với giá 676,8 tỷ đồng (27,8 triệu USD).
Ngoài ra, SCG còn nắm giữ 100% vốn của Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP) – chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) với quy mô 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Hệ thống siêu thị nổi tiếng Big C Việt Nam, năm 2016 cũng đã được ông lớn Thái Lan Central Group chi 1 tỷ USD để thâu tóm 100% vốn. Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, sau này tái định vị thương hiệu thành Đại Siêu thị GO! Đại siêu thị Big C và Đại siêu thị GO!. Tập đoàn bán lẻ Thái Lan này cũng đã thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và siêu thị Lanchi Mart.
Theo BCTC nửa đầu năm 2024, thị trường Việt Nam đã mang về đã mang về cho công ty Thái Lan này hơn 26,5 tỷ bath doanh thu, tương đương khoảng hơn 19.300 tỷ đồng.
CTCP Công nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Ngọc Nghĩa, đối tác cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk năm 2022 đã về tay người Thái. Cụ thể, chi nhánh tại Hà Lan của tập đoàn Indorama Ventures, tập đoàn đa ngành của Thái Lan là Indorama Netherlands B.V đã chào mua công khai 100% cổ phần của Nhựa Ngọc Nghĩa và sau đó nắm chi phối 97,82% vốn.
Doanh nghiệp xi măng LafargeHolcim Việt Nam, năm 2016, Siam City Cement đã chi gần 580 triệu USD để mua lại 65% cổ phần của LafrageHolcim.
Năm 2020, Stark Corp đã mua lại 100% cổ phần hai đơn vị trong ngành cáp điện Việt Nam là CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) được sáng lập bởi doanh nhân Võ Tấn Thịnh từ năm 1987. Giá trị thương vụ khoảng 240 triệu USD.
Năm 2019, BG Energy Solution đã mua 92% CTCP Quang Điện Phú Khanh – chủ nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 tại Phú Yên.
Tháng 4/2021, BG Energy Solution tiếp tục mua lại 70% cổ phần của CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (Mỹ Sơn 1) và CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (Mỹ Sơn 2) – chủ đầu tư bộ đôi dự án nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 tại Ninh Thuận. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ này là 48,1 triệu USD, tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng.