spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpLợi nhuận ‘bất động’ suốt 2 năm, startup nước hoa gọi vốn...

Lợi nhuận ‘bất động’ suốt 2 năm, startup nước hoa gọi vốn với tham vọng chiếm 5% thị trường Việt Nam, muốn làm cả nước hoa cho thú cưng mượt lông

Với mức doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức khoảng 300 triệu mỗi năm, thương hiệu nước hoa của người Việt Chava đã được Shark Bình chỉ ra một điểm “chí mạng” khi tới Shark Tank Việt Nam mùa 7 gọi vốn

Có kinh nghiệm kinh doanh nước hoa 10 năm, Mai Công Bằng nhận thấy nước hoa là một thị trường rất tiềm năng với doanh số trung bình năm 2022 và 2023 là 3.000 tỷ trên sàn thương mại điện tử. Anh nhận định, người Việt Nam rất thích sử dụng nước hoa nhưng nước hoa ngoại nhập quá mắc, cho nên rất ít người có thể sử dụng. Chính vì thế năm 2019, anh cho ra đời Chava – thương hiệu nước hoa Việt có chất lượng Pháp và mức giá phù hợp để đại đa số người Việt đều có thể trải nghiệm.

Nguyên liệu để tạo ra nước hoa Chava đều được nhập khẩu từ Pháp và tinh chế tại Việt Nam. Theo nhà sáng lập Chava, giá trị cộng thêm trong mỗi sản phẩm chính là mùi hương độc bản và câu chuyện truyền tải trong đó. “Để tạo ra mùi hương đó cần rất nhiều công đoạn và đặc biệt là do người điều chế. Có những mùi hương em tạo ra bằng những cảm xúc, bằng những câu chuyện về cách em pha nên mùi hương đó. Nhưng cũng có những câu chuyện kể về bà tôi, mẹ tôi, hay là một địa danh nào đó”, Mai Công Bằng chia sẻ.

Là người có kinh nghiệm sản xuất nước hoa, Shark Thái đặt câu hỏi tìm hiểu kỹ về cách Mai Công Bằng xử lý mùi cồn trong điều chế nước hoa.

Đáp lại, Công Bằng tự tin chia sẻ: “Hiện tại có một loại cồn thường dùng trong mỹ phẩm, ủ hương đủ lâu, ở nhiệt độ lạnh đủ tốt, ví dụ từ 0 đến 4 độ. Nếu mà ủ khoảng 1 tháng trở lên thì em đảm bảo khi xịt lên như là không còn cảm giác của cồn nữa”.

Ngoài nước hoa cho người, Công Bằng cũng tiết lộ rằng Chava đang nghiên cứu dòng nước hoa cho thú cưng có tác dụng vừa làm mượt lông, vừa khử mùi và tạo hương thơm cho thú cưng. “Bên em nghiên cứu bởi bác sĩ thú y. Thực ra thú cưng nhiều khi còn khó hơn cả người, tại vì ngửi một cái có khi nó bị dị ứng. Chắc chắn là trong sản phẩm của thú cưng sẽ không có những thành phần như cồn. Về công thức em sẽ đặt hàng bác sĩ thú y”, nhà sáng lập Chava nói.

Trước kế hoạch này của Chava, Shark Minh Beta thật lòng khuyên rằng startup nên xây dựng hai thương hiệu riêng biệt với hai dòng sản phẩm cho người và cho thú cưng để khách hàng không có tâm lý nghi ngại khi sử dụng sản phẩm.

Chia sẻ với các Shark, Mai Công Bằng cho biết, mục tiêu của Chava là chinh phục 5% thị phần nước hoa tại Việt Nam và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Để thực hiện được điều đó, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Chava đến Shark Tank kêu gọi đầu tư 4 tỷ cho 25% cổ phần.

Nói về kênh bán hàng hiện tại, Mai Công Bằng cho biết sản phẩm của Chava bán lẻ khoảng 20%, 60% mức tiêu thụ đến từ kênh cộng tác viên, còn lại là các đại lý, đối tác gồm 2 thương hiệu thời trang với hơn 16 cửa hàng. Giá bán lẻ dao động từ hơn 100 nghìn – hơn 1 triệu đồng/chai tùy theo dung tích và mùi hương.

“Nước hoa này người ta phải xịt thử, sao người ta mua online được nhở. Mà bạn vẫn có 20% doanh thu là bán hàng online”, Shark Bình thắc mắc.

Công Bằng lý giải, anh sẽ thuyết phục khách hàng bằng cách review, kể lại cảm xúc. Đại đa số khách nhận hàng đều hài lòng. Ngoài ra trong giai đoạn khi mới gia nhập thị trường, Chava áp dụng giải pháp mua sắm với rủi ro bằng 0 cho tất cả khách hàng, đó là cam kết đổi trả, hoàn tiền trong vòng 7 ngày dù bất kỳ lý do nào.

Thực tế, hiệu quả kinh doanh của Chava tăng dần theo từng năm. Năm 2021 đạt doanh số 1 tỷ, 2022 là 4,7 tỷ và 2023 là 5,3 tỷ. Lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2023.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu này, Mai Công Bằng đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu là cho nguyên liệu, chai lọ sản phẩm. Về cơ cấu giá vốn, chi phí marketing chiếm khoảng 10%, chi phí nguyên vật liệu là 20%.

Sau khi các Shark từ chối đầu tư, còn lại Shark Bình, ông chỉ ra điểm yếu “chí mạng” của startup: “Hơn 2 năm vừa qua, đến nay là năm thứ 3, là đang không có sự tăng trưởng. 80% doanh thu đến từ các kênh truyền thống như thế mà không có sự tăng trưởng thì chứng tỏ là kênh đó có vấn đề”.

Shark Bình cũng gợi ý rằng Chava phải tập trung mạnh vào kênh D2C (bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng) và hệ sinh thái Next Commerce có thể làm bệ phóng cho startup. Ngoài ra, Shark Bình cũng có thể hỗ trợ về mặt hình ảnh, làm thương hiệu. Trên cơ sở đó, ông đề nghị đầu tư 4 tỷ cho 49% cổ phần.

Sau khi cân nhắc, Mai Công Bằng chấp nhận lời đề nghị đầu tư 4 tỷ cho 49% cổ phần của Shark Bình, ghi dấu thương vụ gọi vốn thành công của Chava tại Shark Tank mùa 7.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật