spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpLợi nhuận Heineken tại Việt Nam tiếp tục giảm

Lợi nhuận Heineken tại Việt Nam tiếp tục giảm

Ước tính từ phần cổ tức trả cho Satra, lợi nhuận của Heineken Việt Nam có thể giảm hơn 28% về quanh 1.100 tỷ đồng nửa đầu năm.

Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) ghi nhận phần lãi trong công ty liên doanh và liên kết hơn 1.470 tỷ đồng, giảm khoảng 28% so với nửa đầu năm trước. Satra không cung cấp thông tin thuyết minh để cho biết họ đang có bao nhiêu công ty liên kết và tỷ lệ đóng góp lợi nhuận ở mỗi công ty. Lần gần nhất doanh nghiệp này thuyết minh đầy đủ là cuối tháng 6/2022 với 20 đơn vị.

Nổi bật trong số này là Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Việt Nam – hai liên doanh phụ trách hoạt động sản xuất và phân phối các sản phẩm bia cho Tập đoàn Heineken (Hà Lan) tại Việt Nam. Satra nắm 40% vốn, phần còn lại là sở hữu của nước ngoài.

Trong giai đoạn 2016-2021, hai đơn vị này từng góp 2.600-3.200 tỷ đồng cổ tức cho Satra mỗi năm, trung bình chiếm 75% tổng lợi nhuận công ty liên doanh và liên kết. Như vậy, ước tính cho 6 tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh Heineken Việt Nam mang về khoảng 1.100 tỷ đồng cổ tức. Theo đó, lợi nhuận của “ông lớn” ngành bia ước đạt khoảng 2.700 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken cũng tiết lộ kết quả tương tự. Tại Việt Nam – thị trường lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, doanh nghiệp này ước tính thị trường bia đã giảm ở mức thấp khoảng một con số trong nửa đầu năm, riêng quý II có dấu hiệu ổn định. Việt Nam cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận hoạt động của Heineken tại khu vực giảm 0,34%.

Doanh thu ròng tăng hai con số nhưng ở mức thấp, được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng khối lượng bán hàng và luân phiên giảm hàng tồn kho vào năm ngoái. Phân khúc cao cấp và dùng tại chỗ (on-trade) tiếp tục bị ảnh hưởng không cân xứng so với phần còn lại của thị trường, do Nghị định 100 tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt hơn.

Để ứng phó, Heineken Việt Nam đang điều chỉnh danh mục đầu tư và các kênh ưu tiên cho phù hợp và tập trung vào việc khôi phục năng lực cạnh tranh. Xét theo từng nhãn bia, Heineken Silver ghi nhận mức tăng trưởng trong quý thứ 11 liên tiếp và hỗ trợ thị phần ổn định cho công ty trong phân khúc cao cấp. Các thương hiệu Bia Việt và Bivina cũng tăng trưởng ở mức hai chữ số.

Không chỉ Heineken, nhìn chung ngành bia đang trải qua giai đoạn kinh doanh ì ạch. PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ ngành ngành này chịu nhiều ảnh hưởng từ quy định xử phạt nồng độ cồn, kinh tế khó khăn. Ông cho biết 8 tháng đầu năm, sản lượng ngành giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này ảnh hưởng tới thu ngân sách, tác động đến lực lượng lao động và các ngành phụ trợ như cung cấp nguyên vật liệu và logistics.

“Hai năm qua, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trong ngành giảm 6-12% mỗi năm”, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA chia sẻ. Trong đó, Heineken và Sabeco là hai đơn vị đầu ngành chịu sức ép mạnh nhất.

Liên doanh Heineken Việt Nam hoạt động từ năm 1991 với nhà máy đầu tiên tại TP HCM. Đến nay công ty có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên. Tuy nhiên vào cuối tháng 6, Heineken Việt Nam tạm dừng hoạt động nhà máy bia có quy mô nhỏ nhất tại Quảng Nam.

Tại Việt Nam, họ sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Bivina, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss. Theo số liệu từ Euromonitor, từ năm 2020, Heineken đã vươn lên dẫn đầu thị phần liên tục. Đến năm ngoái, doanh nghiệp này nắm 43% thị phần bia. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhiều năm liền.

Tất Đạt

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật